Thứ Năm, 19 tháng 3, 2020

Gian nan hành trình Thái Việt


GIAN NAN HÀNH TRÌNH THÁI VIỆT
Tôi sinh ra ở Thái lan. Cụ Ông thời trẻ bị đi lính khố xanh. Khi cách mạng nổi lên Cụ theo phe cách mạng, trở thành bộ đội tình nguyện quân Việt nam chiến đấu ở Lào. Khi mặt trận Thà khẹc thất thủ, cụ bơi sang đất Thái, tạm lánh. Tôi được sinh ra sau khi Cụ tìm lại đơn vị, chiến đấu và bị thương và được trả về với gia đình (khi đó Các Cụ đã có hai con). Bà Cụ thì theo bà Chị sang đất Lào làm nghề thợ may, sau chuyển sang Thái lan sinh sống.
Những năm thơ ấu của tôi trên đất Thái là nhưng năm yên bình và hạnh phúc nhất trong cuộc đời. Các Cụ làm kinh tế khá tốt. Các con cái được chăm sóc chu đáo. Trong nhà luôn có người giúp việc nhà, trông em. Những năm 50-60 của thế kỉ trước đồ tiện ích cũng chưa có nhiều, nhà mình chỉ có mấy cái xe đạp hiệu Anh quốc như Humber, Lale, nó chỉ là vật dụng thôi (nhiều hôm đi ngủ bỏ quên ngoài cổng, Tằm nuột xỉ phải đập cửa gọi cất vào nhà), tủ lạnh thì chạy bằng dầu,….
Người đứng giữa là chị Sinh, người giúp việc trông em.

Nơi gia đình tôi ở là thị trấn Sa vàng của tình Na khon. Một thị trấn nhỏ, yên bình. Ven thị trấn là những cánh đồng trù phú, thẳng cánh cò bay. Người dân ở đây trồng lúa mà không cấn phân bón. Đất rộng nên người ta chỉ dùng đất vài vụ rồi lại bỏ hoang cho đất nghỉ, chuyển sang gieo cấy nơi ruông khác. Thóc lúa dư thừa,người ăn chả hết. Chăn nuôi cũng nhàn, họ nuôi heo bằng tấm, cám. Vỏ trấu thì chất cao như núi rồi để đốt. Nguyên liệu nấu nướng là than hoa, chả ai dùng rơm rạ để đun nấu hết. Người Thái chân thật tốt bụng, hết lòng cưu mang người Việt xa xứ. Cụ Ông còn kết nghĩa anh em với một người Thái, gọi là “Xiều”. Khi về nước Cụ vẫn mang theo một cây nỏ và một thanh kiếm mà bạn người Thái tặng. Cây kiếm này về sau, Cụ cho đánh lại thành mấy con dao găm. Rất bén.
Cụ Ông khi mới sang Thái mở một xưởng cưa. Hồi trong nước cụ có nghề mộc. Cụ đã từng theo ông anh ruột sang tận Cao Miên làm ăn. Theo anh Kính trưởng tộc bên nội nhà mình kể lại: Cụ ông nhà mình rất tài hoa. Các họa tiết để trạm khắc, Cụ có thể dùng ngón chân kẹp than mà vẽ lên gỗ cho thợ trạm khắc làm. Chắc với tài hoa đó,cùng với nhiều tài vật khác, Cụ đã dùng để đóng góp cho việc xây dựng chùa Vạt Pà. Từ xưởng cưa Cụ lấy gỗ làm nhà. Nhà bên đó, thời đó toàn bằng gỗ, cả dẫy phố cũng là gỗ luôn. Mình nhớ bên đó rất nhiều chó thả rông. Chúng kiếm ăn ở chợ, nhà hàng, ngủ dưới gầm dãy nhà. Đêm đến chúng thường đứng dọc con phố, tru dài như đuổi ma.
Khi nhu cầu nhà ở tạm lắng Cụ chuyển sang kinh doanh nhà hàng. Mình nhớ tuy có thợ (trong đó có anh Khai, anh này làm món Lục xịn: món ăn từ thịt bò, dùng hai thanh sắt dày giần nát như giã giò, sau khi thêm gia giảm, chần nước như món mọc ở ta, dùng lai rai hoặc ăn với cơm, phở đều được), nhưng Cụ vân tham gia nấu và Cụ chế biến thức ăn rất ngon. Có món gì ngon đều gọi mình về, cho nếm. Có hôm mình đánh nhau với trẻ con cùng xóm. Cụ gọi về, tưởng ăn đòn, nhưng không, Cụ vừa chế được món ăn mới, gọi về cho chén.
Tiền nong trong nhà rất rủng rỉnh. Mình nhớ, thời đó mình chơi một nhóm bạn, trong đó có một anh bạn nhà nghèo phải đi bán kem. Để rủ nhau vào rừng bắn chim, mình đã lấy hàng vốc tiền của các Cụ, đem cho bạn để khỏi đi bán kem. Vì chưa phải tiêu tiền nên không biết một vốc đó là bao nhiêu nữa. Kem không ăn hết, đem cắm bãi phân trâu, bò. Thế là cả bọn vào rừng bông bắn chim.
Ảnh chụp lũ nhỏ Sa vàng. Anh Vân đứng hangf, cô Tuyết đứng hang 1, thứ ba từ phải sang.

 Gọi là rừng, nhưng thức ra đó là rừng cây bông, được trồng để lấy bông. Mùa hoa bông những chú chim mải mê chúi mỏ vào hoa bông để hút mật, và những tay súng cao su của bọn trẻ thoải mái tác xạ. Chim bắn được đem về vặt lông cho lò nướng ăn nghịch. Hoa bông màu vàng hút nước của nó rất ngọt và thơm. Hết mùa hoa bông đến lúc ăn quả bông non. Chua chua, ngọt ngọt, xốp xốp. Là đồ ăn nghịch thôi, ở nhà chả thiếu gì đồ ăn thức uống. Bông Thái rất tốt. Nhà mình mang về 1 chiếc đệm bông,dùng mấy chục năm vẫn tốt không cấn bật lại.
Cuộc sống cứ vậy êm đềm trôi. Nhớ những chuyến đi cắm trại, pic nic trên núi cùng các anh chị lớn tuổi.Nhớ những buổi tối xuống xóm mới nghe các anh thanh niên đàn hát vui nhộn, tếu táo (pạ thôn thôn là cái ….to to),…
Ngày cuối tuần Bố mình lại chở mấy anh em đi bơi hồ Sumathan. Hồi đó Cụ sài con Vespa. Hồ cũng không xa nhà lắm, Cụ cho cả mấy đứa lên xe đi tắm. Có hôm vừa đến nơi, mọi người còn đang cởi quần áo thì chú Bình đã nhanh nhảu nhảy xuống nước. Chú Bình lúc đó nhỏ nhất, chưa biết bơi, cứ thế cắm đầu xuống nước, chổng mông lên. Mình hoảng quá la lên và Cụ nhà mình lại phải nhảy xuống vớt chú em lên. Sau này khi về nước rồi mình mới biết bơi, còn hồi đó chỉ đi tắm mát thôi. Chú Bình này còn một cái hạn sông nước nữa là khi trên chuyến tàu thủy từ Băng cốc về Hải phòng, chú đã lén lên bong tàu thả cơm cho loại cá bay ăn và tý nữa thì bị rớt xuống biển, cũng may là có người phát hiện và kéo lên từ lan can tàu.
Sống xa quê, nhưng tấm lòng vẫn luôn hướng về Tổ quóc. Các Cụ vẫn giữ nếp nhà. Mồng một Tết các Cụ gọi các con dậy sớm, bắt mặc quần áo mới rồi ra đứng trước bàn thờ Tổ quóc nghe các Cụ dặn dò phải sống sao cho đàng hoàng, nhớ quê hương, nguồn gốc, trong ngày mùng một không được nói bậy,…. Bàn thờ Tổ quốc là một ban thờ nhỏ, đặt cạnh ảnh Vua Thái ở nơi trang trọng trong nhà.
Chuyện học hành thì hơi có vấn đề một chút. Do lo ngại con em học trường Thái thì mất gốc, nên hồi đó hội Việt kiều tổ chức cho các con cháu học tự túc. Ai biết chữ và có thời gian thì đứng ra dạy. Cô giáo đầu tiên của mình là cô Tiệp. Cô bị cận thị nặng, đeo cái kính dày cộm. (sau này khi về Việt nam rồi, cô có đến nhà mình chơi).
Do lớp học mở chui nên đi học phải giấu sách. Cứ nhét sách vào bụng, đến nhà cô học. Tan học lại nhét sách vào bụng, trở về nhà. Cái kiểu thì thụt như vậy người Thái họ không thích. Nên có buổi đang học lại phải giải tán vì có nguồi nhòm ngó. Học vậy cũng chỉ đến biết đọc biết viết chữ Việt thôi. Khi về nước mình rất khó khăn khi phải đọc chữ trong sách giáo khoa, vì chữ viết tay với chữ in trông khác nhau nhiều lắm. Để học lên cao hơn thì phải lên tận U đon học. Nhà mình chỉ có ông anh được đi học như vậy. Còn bà chị cũng được lên U đon học nghề với máy đan len.
Ảnh chụp khi lên 5.

Những năm sáu mươi của thế kỉ trước. Việt nam bị chia cắt làm hai miền. Miền Bắc theo phe Xã hội chủ nghĩa. Miền Nam theo phe Tư bản. Sự chia cắt đó cũng ảnh hưởng đến Việt kiều. Cả hai bên đều kêu gọi Việt kiều đi theo phe mình. Không hiểu hồi đó Miền Nam kí kết với Thái lan thế nào nhưng mình thấy hồi đó, Nhà cầm quyền Thái có những chuyến đưa người Việt về miền Nam. Người Việt ở đó đã đấu tranh để không bị về Nam mà đòi được về Miền Bắc!!! Ví dụ như nằm đường cản xe, rồi không chịu đăng kí di cư về Miền Nam,…
Bắc Việt thời đó cũng nghèo (sau này mình mới biết), nhưng cán bộ đi vận động kiều bào về đất Bắc cũng chịu sài sang lắm. Họ đi máy bay lên thẳng đến thị trấn nơi mình ở. Và họ hát đủ cái ưu việt của đất Bắc kì. Nào là ngói mới, nào là nhà máy ống khói ngút trời, nào là cánh đồng hợp tác thẳng cánh cò bay, nào là đi học không mất tiền, đi bệnh viện nhà nước lo, đêm đi ngủ không cần khóa cửa, rồi đến lúc không cần làm mà vẫn có ăn…. Mình nghe cứ thích mê. Nhất là được đi học không mất tiền, khỏi phải học kiểu thậm thụt như ở đây!!!
Đấy là nhưng gì mình nghe được khi hóng chuyện người lớn bàn luận về chuyện đi ở sau này. Chứ hôm đó thì mình chỉ có chạy theo lũ bạn ngó nghiêng chiếc trực thăng, kẻ đã tạo ra cơn lốc khi nó cất và hạ cánh. Xin nói thêm, chỗ mình ở rất hay có lốc, những cơn lốc nhỏ thôi, nhưng cũng đủ tạo nên sự tò mò thích thú của lũ trẻ bọn mình.
Sau này, khi về nước nghe ông anh họ đàng ngoại nhà mình, anh Thông con bà Hội nói mình mới biết: hồi đó anh Thông đã lật mặt trong của chiếc phong bì ghi vài dòng gửi mẹ mình. Nội dung là: Dì đừng về nước, khó khăn lắm, một người đi làm chỉ nuôi được một người thôi. Tiếc rằng thông tin đó không ai đọc. Vì ai lại đi xé phong bì để đi tìm mấy dòng chữ đó chứ. Mà cũng chả ai lại nghĩ rằng: người ta phải dùng cái phương cách như vậy để báo tin cho nhau!!! Các Cụ thật thà và tin người mà. Anh Thông là người mà bà Cụ nhà mình đã trông nom khi còn bé, tuy là hàng cháu nhưng anh ấy cũng không kém bà Cụ nhà mình nhiều tuổi lắm. Anh thuộc diện Tây học và đã từng đi chuyên gia ở Ghi nê từ những năm 60 của thế kỉ trước.
Tuy rằng không đọc được những thông tin đó, nhưng trước khi quyết định về nước các Cụ nhà mình cũng đã có bàn bạc. Cụ Bà, chắc là do linh cảm, Cụ đưa đề nghị: chia đôi, một nửa theo Cụ Ông về trước nghe nghóng xem thế nào đã. Nếu ổn thì nửa còn lại sẽ về tiếp. Còn không ổn thì nửa còn lại sẽ làm kinh tế để tiếp tế cho nửa đã về Việt nam. Tuy nhiên Cụ Ông đã quyết: đã về là về cả.
Và kết quả là nhà mình được hồi hương trên chuyến tàu thứ 58, Cụ Ông nhà mình là trưởng đoàn. Vậy là bán hết nhà cửa, cơ nghiệp. Đóng gói lên đường về nước. Đầu tiên là lên tàu hỏa đi dọc đất Thái: từ Đông Bắc Thái lan xuống Băng cốc ở phía Nam. Sau đó lên tàu thủy của Ba lan. Lênh đênh trên biển hơn một tuần thì cặp cảng Hải phòng chính thức thành người dân Xã hội chủ nghĩa.
 Biết là xảy nhà ra là thất nghiệp. Ngoài 7 đứa con lít nhít, lớn nhất khi về nước mới học lớp 7. Cụ Bà còn có mang cậu thứ 8. Vậy là phải mang 1 cái giường để lấy chỗ cho những đứa nhỏ quá có chỗ nằm. Bát đĩa cũng một dương. Một chum đựng thịt lợn muối. Các Cụ đã cho thịt mấy con lợn, đem ướp muối để có cái ăn dần trong những ngày đầu khi về Việt nam….
 Chuẩn bị kĩ như vậy, nhưng những khó khăn thì không thể lường hết được. Hai lao động, nuôi tám đứa con. Một gánh nặng không dễ vượt qua. Và quan trọng nhât là một môi trường sống: cả kinh tế, chính trị hoàn toàn xa lạ, đang chờ đón những người con xa xứ trở về.
BLGiang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét