Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

Mái nhà tranh

Mái nhà tranh, người Việt nam nào mà chẳng có kỉ niệm với mái nhà tranh, nơi quê hương mình. Mà chả cứ nơi thôn quê, ngay ở Hà nôi, những năm 60 của thế kỉ trước, cũng còn khối nhà tranh.

Mình muốn nói ở đây là mái nhà tranh, mà chúng ta ở, và học ở Xuân Đỉnh. Nhà để ở  là mái nhà do Sở GD HN cất riêng cho lớp ta, ở ngoài bìa làng. Một cái nhà tranh ba gian mới toanh, dành riêng cho lớp ta trọ. Mái bằng tre đan, tường bằng rơm nhào đất rồi trét lên trên khung tre. Nhà có ba gian, theo kiểu truyền thống ở nông thôn: gian giữa là lớn nhất, hai bên trái có hai gian phụ. Giường nằm là loại như lán công trường bây giờ, tức là người ta đóng cọc tre xuống nền đât, sau đó lát các thanh tre lên, vậy là có một dãy giường dài, tha hồ mà lăn lộn. Lớp ta ở trong nhà đó là chính. Một số bạn được ở nhà trên khu lớp học, còn một số bạn thì ở nhờ trong làng.
Một cái nhà tranh nữa là lớp học của chúng ta. Cái nhà tranh này, chắc trước cũng là một nhà ở của người dân. Vì nó cũng có cấu trúc ba gian, một gian chính ở giữa và hai gian trái. Gian chính ở giữa, là nơi lớp ta dùng để học. Một gian dành cho mấy bạn ở (ở ké với mấy anh lớp trên, mình nhớ có một anh tên là Thược). Còn một gian trái nữa dành làm nhà bếp. Đây là một căn nhà cũ. Tường đất đã bong tróc. Nhất là cái vách ngăn giữa lớp học và khu vực nấu ăn, có những lỗ thủng tương đối lớn. Ngồi học cứ đến tiết thứ tư là thấy Bác Kiệt, cùng Dì Út xào nấu, mùi canh, mùi cơm bốc lên thơm lừng. Báo hại cơn đói, chẳng hiểu làm sao mà còn ngồi nghe giảng được nữa. Đấy là hồi chúng ta học lớp 8 và một phần học kì I của lớp 9, chúng ta vẫn còn phải học ở đây.
Tiếp đó chúng ta được chuyển lên học tại khu nhà mới xây, gần Ban Giám Hiệu của trường. Tại lớp học này mình nhớ hai kỉ niệm: Thứ nhất là học kiểu không dùng phấn, bảng. Thày Mai đọc đề bài, không chép lên bảng, cả lớp phải căng tai ra nghe, nhớ lấy, rồi tìm cách giải, cũng không được dùng bút nữa, giải xong, thì xung phong phát biểu, đứng tại chỗ, đọc lời giải, cả lớp nghe và tưởng tượng cách giải của bạn. Cách học này tưởng khó, ai dè, lớp ta hưởng ứng nhiệt tình quá, nhiều hôm, tranh nhau nói, tranh luận cách giải ầm ầm như vỡ chợ. Thày Thân (dạy Vật lí), đứng lớp ở lớp bên cạnh phải chạy sang xem có phải lớp ta không có thày hay không mà loạn thế. Còn Thày Mai chỉ đứng cười, vì phương pháp tăng khả năng trìu tượng của thày đã thành công. Kỉ niệm thứ hai là về cái bút của mình. Mình có cái bút hút mực dạng pít tông. Hôm đó trong giờ học mình loay hoay thế nào mà mực phun hết vào áo mấy bạn nữ ngồi trước (hình như là Liên Minh, mình không nhớ chính xác nữa). Thày Mai rất buồn, và thày VD: một bạn là võ sỹ, trêu bạn mình rất khẽ, nhưng bạn mình vốn yếu đuối thì cái khẽ của võ sỹ cũng đủ làm tổn hại bạn mình rồi. Lời phê bình nhẹ nhàng của Thày làm mình nhớ mãi.
Bếp ăn lúc này cũng được chuyển lên ăn cùng bếp của các thày cô. Lúc này chỗ học, chỗ ăn đã quy củ hơn. Buổi trưa, học xong, đi ăn luôn rồi về nhà, chẳng có gì đáng nói. Nhưng buổi chiều, phải đi từ chỗ ở ra trường ăn cơm, sau đó mới quay lại chỗ ở. Ăn xong, khi quay về nhà trời đã chạng vạng tối, người về trước, kẻ về sau, thế là sinh ra trò bẫy nhau, và các cuộc chiến tranh xảy ra liên miên. Không biết tên nào bày ra trò bẫy nhau này đầu tiên? Nhưng những trò tai quái như: treo chổi, bát nước ở cửa,… để bẫy những kẻ về sau xảy ra thường xuyên. Và kẻ bị bẫy sẽ xông vào kẻ bẫy để chiến một phen. Những cuộc chiến như vậy huyên náo cả một vùng. Dù là chỗ ở nằm tận bìa làng, nhưng dân làng tưởng là bọn này đánh nhau thật đã mách nhà trường. Và một hôm, cả bọn đang say chiến, thì đột ngột thấy Duyến (Hiệu trưởng) xuát hiện, như từ dưới đất mọc lên. Cả bọn hú hồn, chỉ bị quở trách một hồi, may mà không bị phạt.
Cái lũ trẻ con đó, lại hay tranh luận. Mà khi đã tranh luận thì không đứa nào chịu đứa nào. Cãi nhau đỏ gay cả mặt. Lý lẽ ngang phè, nhưng vẫn cố cãi đến cùng. Nhiều phen phải dùng đến chân tay, vật đối thủ ra, xem hắn đã chịu thua, hết cãi chưa. Cãi nhau, kẻ đuối lí, thường hay dùng câu: Lập trường vững chắc, Tao muôn năm. Với những kẻ cùn quá như vậy, đến mức phải dùng tay chân thì câu đó trở thành: Làm giường vững chắc, Tao muốn nằm. Đo ván mới chịu hết lý sự! Khổ thân cho cái lán, sau mối trận chiến, hoặc trận tranh cãi như vậy là một lần tơi tả, te túa.
Gọi là lớp Toán đặc biệt, tưởng mọi người chăm học lắm. Nhưng quả thực, thời gian chơi thì nhiều hơn thời gian học. Bài vở Thày cho rất ít, làm loáng cái là xong. Thày Mai hay đi xem sách ở hiệu sách Ngoại văn trên phố Hàng Bài. Khi có quyển nào hay, thày lại giới thiệu cho lớp, ai có điều kiện thì mua mà xem. Thời đó, dù có rất ít tiền, dù con đói thường xuyên hỏi thăm, nhưng mình cũng cố dành dụm để một, hai tuần có thể mua được một cuốn sách mà Thày Mai đã bảo nên mua. Lúc nào chán chơi rồi thì giở những cuốn sách như vậy ra, tìm vài bài làm chơi. Hoặc nếu số báo Toán học và tuổi trẻ có bài thì cả bọn xúm vào giải, thích thì gửi đăng, không thích thì giải cho biết. Học vậy thôi. Đâu có học ngày học đêm như tụi trẻ bây giờ.
Vậy là lúc vào trường Xuân Đỉnh, chúng ta cũng phải học tại một lớp học tạm, một nhà tranh vách đất hẳn hoi, lại nằm ngoài bìa làng,. Đâu có được học ở trường chính. Ờ vậy mà có ai bảo lớp mình là con nuôi đâu nhỉ. Mình nhớ, bên cạnh lớp học còn có một cái giếng. Đi đá bóng về, ra đó tắm giặt vô tư. Còn nữa, giữa sân còn có một đống rơm, chắc của người dân gần đó họ để nhờ. Và anh bạn Hiệp của chúng ta đã biểu diễn nhào lộn trên đống rơm đó, kết quả là gẫy mất nửa cái răng.
Nhớ Lâm gàn nữa, cả bọn ở ngoài bìa làng, đêm đông gió hun hút thổi, ngoài trời tối đen, hàng tre nghiến răng nghe kèn kẹt, đèn dầu thì leo loét, cảnh đã não nề, thế mà còn hắn thì ca bài hồn tử sỹ, với lời xuyên tạc: Đêm đông, ma đánh đu trên nóc nhà,…. Cái nghĩa trang cũng chẳng ở xa khu nhà đó bao nhiêu! Không hiểu khi chúng ta trở lại thăm trường, cảnh cũ còn giữ được gì không nữa?
Vậy đó, chúng ta đã sống những ngày đẹp nhất trong cuộc đời trong những căn nhà tranh như vậy đó. Nhớ về Xuân Đỉnh, mình nhớ về những căn nhà tranh với bao kỉ niệm đó. Chắc là mình còn bỏ sót nhiều.
BLGiang
Đã đăng trên Blog: Lớp chuyên toán HN 68-71:
https://cthn6871.wordpress.com/2012/10/01/mai-nha-tranh/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét