Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

Vươt khó

Đời người, ai chả gặp khó. Tuy nhiên, cái cách người ta vượt khó rất khác nhau. Và mỗi cách vượt khó đó để lại cho người ta kinh nghiệm, bài học và cả những mầm mống cho tương lai.

Gia đình mình trước kia ở bên Thái. Năm 1962 thì về nước, chuyến tàu 58 . Cặp cảng Hải phòng tháng 8/1962, về trạm An Dương HN quãng tháng 9.
Khi về nước gia đình mình được ở HN. Đây là một đặc ân, bởi nhiều gia đình cùng về nước như gia đình mình bị phân lên tận Phú Thọ, Thái nguyên,... Gia đình mình có bà bác bảo lãnh chỗ ở tạm nên được ở HN. Hồi còn ở Thái mình có được nghe các cụ nói nhiều về sự hồi hương. Rồi các cuộc đấu tranh không về miền Nam mà đòi được về miền Bắc XHCN. Hồi đó mình còn nhỏ (chưa đến 10 tuổi), nhưng mình nhớ có lần được đi đón đại diện của miền Bắc sang chỗ mình ở SaVang Nakhon để tuyên truyền vận động. Chả hiểu nhân đó nói gì, nhưng sau này khi đã về nước những lúc bực lên ông cụ thân sinh ra mình thường ra đấm vào cánh cửa thẳng (nhà mình có ba cửa: một cửa chéo, một cửa thẳng, một cửa gỗ xếp để bán hàng),của nhà mà nói: "xỉ me mưng tộm cu". Khi ở Thái gia đình mình thuộc loại khá, có của ăn của để. Khi về nước, dù xác định khó khăn (hành trang khi lên tàu về nước có cả một chiếc giường, để cho lũ trẻ nằm tạm và một chum thịt lợn muối mặn để sống tạm trong những ngày đầu). Thế nhưng những dự liệu đó không là gì so với những khó khăn mà gia đình phải trải qua.
Chứng kiến những gian lao, khó nhọc của các cụ để nuôi sống 8 đứa con đang độ tuổi ăn học, vào những năm đói kém của những năm 60 của thế kỉ trước, sau này khi đã trưởng thành, mình hoàn toàn ủng hộ ông cụ nhà mình. Đúng là các cụ đã bị lừa. Đang ở một nơi xung sướng như vậy lại bỏ về VN, đặt con cái mình ở trước cảnh đói khát, chiến tranh. Nhiều người sau khi về nước đã tìm cách trốn trở lại Thái, nhưng rất ít thành công. Những kẻ chủ mưu, những kẻ sang tận Thái lan, làm cái việc lừa phỉnh đó, làm khốn khó không biết bao nhiêu gia đình đó chắc chắn chúng cũng chẳng được điều gì tốt lành.
Ai làm điều gì thì tự nhận lấy hậu qủa thôi. Nhưng về phía gia đình nhà mình, từ năm 1962 là bắt đầu một cuộc chiến đấu để tồn tại.
Khi mới từ Thái lan về nước, bà cụ mình làm nghề bán xôi chè. Cụ bán rẻ, lại ngon nên rất đông khách. Buổi sáng khách ăn phải xếp hàng dài. Để được như vậy, cụ phải về tận vùng quê, khi thì chính quê mình, khi thì sang Bắc ninh mua gạo, mua đậu, lạc, đường mật,... để chọn được hàng ngon và rẻ. Triết lí kinh doanh của cụ là buôn tận gốc, bán tận ngọn.
Ngày nào cũng vậy cụ thức dậy, làm hàng từ 4 giờ sáng, bán đến 8 -9 giờ vãn hàng là lại đạp xe về nông thôn kiếm nguyên liệu. Khoảng cách là 30_40 km. Một sự nỗ lực phi thường để nuôi 8 người con đang tuổi ăn học. Ông cụ mình sức khỏe yếu do ảnh hưởng chiến tranh. Cách làm của bà cụ mình hoàn toàn lương thiện, kiếm sống bằng lao động cực kì vất vả của mình, một ngày không dưới 16_17 tiếng lao động. Nhưng nó lại vi phạm chính sách lương thực!!! Và vậy là người ta tổ chức vây ráp nhà mình. Mình nhớ hôm đó, cửa trước cửa sau đầy người. Theo cụ Nguyễn Du thì :"đầu trâu mặt ngựa, ào ào như xôi"!!!
Họ làm đúng thôi, bảo vệ chính sách lương thực mà. Nhưng họ có nghĩ 8 miệng ăn cùng một bệnh binh chống Pháp phải sống bằng gì.?
Đau hơn nữa là khi người chấp pháp lại chính là người thân của mình. Mình nhớ có hôm bà cụ nhà mình cho mình đi cùng về quê ngoại mua đỗ đen và đường mật. Mua bán xong xuôi, hai mẹ con chuẩn bị đạp xe về HN thì bỗng nghe tiếng còi, tiếng kẻng, rồi dân quân, du kích huy động rầm rập bao vây. Kết quả là họ bắt được hai mẹ con với tang vật là chục cân đỗ đen và đường mật. Sau khi bị giam mấy tiếng ở đình làng (cũng là sân kho hợp tác), sau khi thu hiện vật, họ trả tự do. Cay đắng bà cụ nhà mình đèo thằng con, trong đêm đen, đói khát, thất thểu bò về Hà nội. Cay đắng hơn nữa là cháu của cụ lúc đó là cán bộ của xã. Mấy chục năm sau, bà cụ nhà mình cũng về lại quê, lần này cụ về quê, dâng chùa làng tòa Cửu long, và lễ dâng tượng được tổ chức khá hoàng tráng, đủ các ban bệ tham gia, và cháu của cụ đã là một Phật tử thuận thành. Ơn đức của các cụ nhà mình còn dày.
Cái chính sách lương thực đó từng gieo kinh hoàng cho không biết bao nhiêu gia đình và kìm hãm xã hội trong một thời gian khá dài. Không hiểu người Việt gieo oan trái gì mà phải chịu những sự hà khắc như vậy?!?
Khi không được kinh doanh như vậy nữa, nhà mình chuyển sang làm nghề ngâm giá đỗ bán. Cách làm giá đỗ cũng khá đơn giản. Hạt đỗ sau khi được loại bỏ các hạt nhọn (hạt khuyết tật, không nảy mầm được, loại này khi gom được một lượng khá có thể đem ngâm cho mềm rồi thổi lẫn với gạo tẻ, ăn khá ngon). Loại đỗ sau khi đã phân loại được rửa sạch, sau đó cho vào nồi đất, phủ lên trên một lớp lá tre hoặc lá khúc tần, rồi dùng nan tre cài lại. Ta đổ nước ngâm khoảng nửa buổi, mùa đông thì ngâm lâu hơn. Sau đó úp nồi, để ở nơi khô thoáng. Hàng ngày cho giá uống nước hai, ba lần tùy theo mùa. Mỗi lần cho uống là ngửa nồi lên, đổ ngập nước, ngâm trong nước khoảng mươi lăm phút, rồi trút nước đó đi. Một nồi được thay nước ngâm như vậy ba lần, tổng cộng 9 lần cho một nồi, mỗi ngày.
Tùy theo lượng hàng bán được mà tăng giảm số nồi.Thường thì vài ba nồi mỗi ngày. Mà giá ngâm đủ tuổi phải mất 4 ngày. Vậy để đủ hàng bán, lúc nào trong nhà cũng phải có hơn chục nồi giá nối tiếp nhau.
Khi gia đình ngâm giá mình phải lo khâu gánh nước thay nước cho giá. Mỗi ngày vài chục gánh nước. Thời đó gia đình chưa bắc được máy nước. Nước máy phải ra vòi công cộng gánh về. Chỗ mình ở có hai vòi công cộng: một cái ở đầu đường Bách khoa, cái nữa đầu ngõ Mai Hương, nay là phố Hồng Mai. Khoảng cách đều hơn trăm mét, chỗ nào vắng thì đến xếp hàng. Hôm nào lôi được đứa em nào xếp hàng hộ thì hôm đó hoàn thành nhiệm vụ sớm. Hồi đó mình mới 13_14 tuổi, nhưng rất khỏe, mình có thể gánh được cả hai đôi thùng, gánh gẫy cả đòn gánh.
Ngày ba lần thay nước cho giá, ngoài ra còn phải đi hái lá tre lá khúc tần nữa. Sáng đi học, chiều phải bỏ cỡ một tiếng đi hái lá. Được cái hồi xưa, dân cư thưa thớt, vào trong ngõ chỗ mình ở là đã có những bụi tre rồi, còn chung quanh hồ Kì thì rất nhiều cây khúc tần, nên việc hái lá cũng không khó khăn lắm.
Nghề nào rồi cũng có tuổi của nó. Nghề ngâm giá đỗ dễ làm thì ắt có nhiều người làm được. Và các cụ nhà mình lại phải chuyển nghề.
Nghề tiếp theo các cụ nhà mình làm là gò thùng, nghề tôn thiếc. Lúc này đã có chiến tranh. Các gia đình phải đi sơ tán. Về nông thôn họ phải có thùng để gánh nước về dùng. Nghề gò thùng có đất phát triển. Tôn thường là tôn cũ thời Pháp để lại. Các gia đình thay mái tôn bằng mái ngói sẽ dư tôn cũ ra, đó là nguồn nguyên liệu chính. Tay co bằng gỗ thì mua ở phố Tô Tịch, đai thùng thì mua phế liệu ngành điện, ở Cát linh (vỏ bọc bằng sắt của cáp điện). Hồi đó mình học lớp 5 rồi. Đúng ra thì đã phải bỏ học, vì hồi đó trong nội thành không được mở lớp. Mình đã nghỉ học mất mấy tháng, nhưng sau đó, khi thấy nhiều gia đình khó khăn không đi sơ tán được, nhà nước lại cho mở lại trường Minh khai, và mình lại được đi học.
Sáng dậy sớm học thuộc lòng, sau đó mang tôn ra đầm. Tôn có gợn sóng, phải đầm cho phẳng ra thì mới gia công tiếp được. Đầm vào buổi sáng, đường vắng, chẳng vướng ai. Đầm xong cất tôn vào, lấy sách đi học. Trưa học xong về, loáng quáng lượn ngõ một chút với bạn rồi lại phụ việc gia đình. Nghề gò này nhà mình làm được mấy năm, tay nghề của mình cũng khá. Mình nhớ hồi đó ông Tô như Tẩu, chủ nhiệm HTX gò Tân Tiến nói với cụ nhà mình: "chị để thằng Giang vào chỗ tôi làm, tôi trả nó lương thợ bậc hai". Năm đó mình chuẩn bị vào cấp 3, mình có thể làm tốt các việc như: thúc vung nồi quân dụng, ô doa tưới,... gò thùng chuyện nhỏ, quá dễ. Mình nhớ hồi đó mấy cha miền Trung hay mang ống pháo sáng ra nhờ gò thùng, Ống pháo sáng bằng i nốc, dày 2,5 li, cực cứng, gò vào hình cứ gọi là chai tay, tức ngực. Ngay chuyện pha cắt cũng cực kì khó. Tôn thường chỉ dùng lực của tay là cắt được, còn tôn i nốc thì phải đu cả người lên mới pha cắt được. Họ cứ thả ống pháo sáng đó, khoảng tháng sau, theo xe ra lấy thùng đã gò ngon lành. Được cái công họ trả cũng khá. Bõ sức. Mấy cha này cũng là người đặt mua cái máng cạo mủ cây cao su. Cái máng này bằng hai ngón tay, đánh lõm để nhựa mủ cây cao su chảy, một đầu cắt tai để gắn vào phía thân cây. Nguyên liệu toàn là đầu thừa đuôi thẹo tận dụng. Thời gian làm cũng là thời gian tận dụng. Rỗi lúc nào làm lúc đấy, như kiểu bỏ ống vậy. Ấy vậy mà nhiều khi tích tiểu thành đại đấy. Mình nhớ khi vào học lớp 8 ở Xuân Đỉnh, gia đình mình vẫn còn làm nghề này. Cô Hiên có đặt gia đình mình làm thùng, chậu cho lớp 8D.
Những năm khó khăn tiếp theo là khi bà cụ nhà mình bị ốm. Sức người có hạn. Lao động với cường độ lớn như vậy nó bào mòn sức khỏe bà cụ nhà mình. Cụ yếu dần, rồi năm mình học lớp 10, khi đó cụ 49 tuổi thì cụ nằm mất nửa năm. Mình cũng không hiểu bằng cách nào gia đình mình qua được những năm tháng đó. Biết rằng, cái gì có giá thì phải đi.
Khi thi xong đại học mình được Vũ Tuấn Hiệp (giải ba Toán Miền Bắc 1971, liệt sỹ mặt trận Quảng trị - Thừa thiên Huế 1972) rủ đi làm ở trại gà Việt Hung ở Cầu Diễn. Đó là khoảng thời gian hạnh phúc của mình, Được lao động, được ăn ngon (bữa nào cũng có thịt gà), kết thúc đợt lao động đó, ngoài tiền lương, mình còn mang về 4 con gà giống Hung là giống gà cao sản trứng bấy giờ. Bốn con trung bình mỗi ngày cho từ hai đến ba quả trứng. Đó là nguồn đạm quý giá để bồi bổ sức khỏe cho cụ nhà mình, để cụ vượt qua được bệnh tật tiếp tục cuộc hành trình vượt gian khó trên cõi đời này.
HN ngày 19/2/2017.

1 nhận xét: