Bài viết của Nguyễn Hữu Việt Hưng, đăng trên Facabook, viêt về lớp 10K CVA. Chép về đây để dễ tìm. Ai thích thì đọc.
HỌC CHUYÊN TOÁN HÀ NỘI: XUÂN ĐỈNH VÀ CHU VĂN AN, phần 2
27 THÁNG 9, 2019 · CÔNG KHAI
Năm học 1970-1971, lớp chuyên Toán chúng tôi được Sở Giáo dục
Hà Nội chuyển về trường cấp III Chu Văn An, mang tên lớp 10K, lớp cuối cùng
trong khối lớp 10 của trường. Kể từ đó, 1970, trường Chu Văn An trở thành nơi
liên tục đào tạo Chuyên Toán cho Hà Nội cho tới 1985, khi hệ này được chuyển về
trường chuyên Hà Nội – Amsterdam mới được thành lập khi đó.
Thầy Vũ Xuân Mai không còn dạy Toán cho lớp tôi, mà biệt
phái lên Sở Giáo dục Hà Nội một thời gian. Trong năm học cuối bậc phổ thông của
chúng tôi, thầy Trịnh Thế Vinh dạy Toán và chủ nhiệm lớp tôi.
Công bằng mà nói, tôi thích cách dạy của thầy Vinh hơn. Nếu
như thầy Mai cẩn thận, tỉ mỉ, đến mức dễ sa đà vào chi tiết, thì thầy Vinh
khoáng đạt, tự nhiên, không bày đặt. Nay, cả hai thầy đều đã thành những người
thiên cổ. Chuyện này khiến cho những lần bạn bè 10K xưa gặp nhau, như thiếu chất
kết dính.
Ở trên tôi đã nói, trong kỳ thi học sinh giỏi Toán thành phố
Hà Nội, chúng tôi không đại diện cho trường mà Sở gửi chúng tôi ở đó, năm học
1970-1971 là trường Chu Văn An. Các môn khác, chúng tôi có thể đại diện Chu Văn
An đi thi học sinh giỏi. Nhưng thường thì chúng tôi không hào hứng với các môn
này.
Có lẽ vì thế, lại thêm lý do Sở chuyển chúng tôi về Chu Văn
An khá gấp, khiến cho khối 10 có đến lớp 10K, trong khi các khối dưới chỉ có đến
8I, 9I là hết, cho nên trường Chu Văn An chỉ coi chúng tôi như những đứa con
nuôi. Chúng tôi được phân học ở những nơi vốn không phải lớp học. Đầu năm, nơi
học của chúng tôi vốn là một phòng thí nghiệm cũ, ở sát cổng phụ của trường,
nhìn ra phía vườn hoa của công ty công viên Hà Nội, bên kia đường Thuỵ Khuê. Cứ
trời mưa to là cả lớp ngập nước. Nhiều hôm chúng tôi ngồi ngâm chân trong nước
mà học. Sang học kỳ II, chúng tôi chuyển đến học trong một phòng thuộc dãy nhà
ngói 1 tầng, trên đường đi sang trường cấp II Chu Văn An.
Một hôm duy nhất, chúng tôi được chuyển lên một lớp học ở tầng
3, nhìn ra Hồ Tây bát ngát. Hôm ấy, một Giáo sư Liên Xô sang tìm hiểu về giáo dục
Việt Nam. Thầy Trịnh Thế Vinh được cử dạy một tiết mẫu ở lớp tôi, để Giáo sư ấy
dự giờ.
*
* *
Lạ một điều là không hiểu sao năm ấy chúng tôi kiếm đâu ra
nhiều thời gian đến thế. Chúng tôi học giỏi nhất khối lớp 10, điều ấy đương
nhiên, không phải bàn. Ngoài ra, chúng tôi còn nhất trường về Bóng đá và Văn
nghệ.
Trường Chu Văn An bấy giờ có rất nhiều học sinh vốn học trường
Nguyễn Văn Trỗi, ở Quế Lâm (Trung Quốc). Đó là con các ông to, bọn này được ăn
uống trên mức no đủ, nên rất khoẻ. Hồi ở Nguyễn Văn Trỗi, chúng được học bóng
đá như một môn học chính thức, nên đá khá bài bản.
Cả lớp 10K lúc ấy chưa đầy 30 học sinh, trong đó có 2 nữ. Vì
thế, chọn ra một đội bóng 11 người của 10K không dễ. Đội hình “ bình thường ” của
10K gồm: Trí, Quốc Thắng, Ngọc Chi, Giang, Hưng, Thu, Toàn Thắng, Hiệp, Dương,
Phú, Thông. Giải bóng đá trường Chu Văn An 1971, lớp 10K chuyên Toán lặng lẽ
vào đến bán kết, gặp lớp 10A (gồm toàn cựu học sinh Nguyễn Văn Trỗi). Bọn 10A
ngạc nhiên, cười thầm, định bụng sẽ cho lớp tôi ra tóp. Nào ngờ, đội 10K tập
luyện với nhau từ hồi Xuân Đỉnh đã hơn 2 năm, đá một thứ bóng đá nhỏ, nhuyễn, bật
tường, khéo léo, ít dùng sức. Kết quả, 10K bé hạt tiêu thắng 10A to lớn hùng hổ
1-0.
Chung kết, 10K gặp 10B (cũng gồm toàn cựu học sinh Nguyễn
Văn Trỗi). Bọn 10B tin rằng 10K thắng được 10A là do ăn may. Chúng quyết đè bẹp
10K, để lên ngôi vô địch, và trả thù cho đồng bọn 10A bên cạnh. Trận ấy, 10K
chúng tôi vẫn đá thứ bóng đá tỉnh táo, tránh va chạm, ít rê dắt, phối hợp nhịp
nhàng, khoa học. Chúng tôi dẫn hiệp một 1-0, rồi cuối hiệp hai 2-0. Đến lúc đó,
đội bạn biết không có cách gì gỡ được, nên bỏ bóng đánh người. Chúng bỏ trống cả
khung thành, thủ môn hầm hầm dẫn bóng lên, chỉ chờ chúng tôi tranh bóng là xô
vào đánh. Chúng tôi lùi dần, đợi cho đội bạn đẩy bóng hơi dài là xô vào phá
bóng.
Hết giờ. 10K thắng 10B chung cuộc 2-0, đoạt chức Vô địch. Bọn
10B đằng đằng sát khí. Hự! chúng ném cả nửa hòn gạch xây vào lưng Phú, một cầu
thủ 10K. Chúng tôi nhìn sang đội bạn, hỏi: “ Đứa nào ném đấy ”? Chúng nó chỉ chờ
có thế, nhào sang, định ăn thua đủ. May, thầy Trịnh Thế Vinh đứng đó. Thầy nghiêm
khắc bảo: “ Này, các cậu 10B, không được cay cú. Giải tán đi ”.
Từ hôm đó, lớp tôi đi hay về học trên đường Phan Đình Phùng,
đường của các quan to, có “ cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt ”, đều bị chúng
nó đứng trong nhà ném đá. Chúng tôi phải chuyển sang đường Quan Thánh. Dạo đó,
xe cộ ít, nên cả hai đường đều được đi hai chiều.
Bóng đá đã vậy, đến Văn nghệ, chúng tôi còn làm trường Chu
Văn An ngạc nhiên hơn. Như trên đã nói, lớp tôi phải học ở những chỗ vốn không
phải lớp học, cách xa các lớp khác. Cho nên, chúng tôi tập văn nghệ thế nào, cả
trường đều không biết. Lớp 10K lúc ấy chỉ còn 2 nữ. Văn nghệ trông cả vào các bạn
nam. Tốp ca nam 10K gồm 7 người (Dương, Đạt, Hưng, Trọng Minh, Toàn Thắng, Thu,
và Tú), chất giọng khoẻ, ấm. Chúng tôi thường hát 2-3 bè các bài hát “đỉnh” lúc
bấy giờ: “ Chào em cô gái Lam Hồng ”, “ Đêm trên Cha Lo ”, “ Tiếng hát những
đêm không ngủ ”, “ Gảy đàn lên hỡi người bạn Mỹ ”…
Đêm chung kết Văn nghệ, cả trường Chu Văn An đứng tim vì tốp
ca nam 10K đầy nhiệt huyết, âm vang, toả sáng. Hoá ra bọn này không chỉ biết học
Toán. Về sau, trong suốt năm học ấy, tốp ca nam 10K Chu Văn An nhiều lần đại diện
Sở Giáo dục Hà Nội dự các kỳ thi âm nhạc không chuyên. Chúng tôi đã hát trên
sân khấu các rạp Hồng Hà, Công nhân…, và Nhà hát Lớn thành phố.
Có một chuyện buồn, rồi cuối cùng lại có chút may. Đêm chung
kết văn nghệ trường Chu Văn An, khi chúng tôi say sưa hát “ Tiếng hát những đêm
không ngủ ” trên sân khấu dựng trong nhà gửi xe của trường, thì một tên khốn nạn
nào đó, đứng trong đám đông, bắn một viên sỏi bằng súng cao su vào mặt tôi.
Viên sỏi đập đúng sống mũi. Tôi rất đau, nhưng may viên sỏi không để lại thương
tích gì. Chỉ cần nó chệch một chút về bất kỳ phía nào, tôi cũng khó tránh khỏi
tàn tật suốt đời. Giả sử điều đó xảy ra, liệu một cậu bé 17 tuổi là tôi khi ấy,
có đủ sự điềm tĩnh để chấp nhận cuộc đời như thế, hay tôi sẽ nổi giận, và ăn
thua đủ với lũ người mà tôi tin rằng đã gây ra tai họa đó? May mà điều ấy đã
không xảy ra.
*
* *
Cuối năm học phổ thông 1971, một ngọt ngào tột cùng, rồi tiếp
ngay sau đó một thảm hoạ cay đắng đã ập đến với tôi, như một giấc chiêm bao.
Nhiều năm đã qua, ngẫm lại thì ra tôi vẫn không phải số phận hẩm hiu nhất.
“ Thân em như hạt mưa sa
Hạt rơi giếng ngọc, hạt ra ngoài đồng ”.
Câu hát ấy tưởng đâu chỉ là của số phận phụ nữ nước Nam những
đêm dài trung cổ. Nào ngờ nó vẫn còn là của những thanh niên Việt Nam cuối Thế
kỷ 20. Ai ra trận? Ai làm hạt giống để mùa sau? Ai là thứ hạt không bao giờ được
gieo trồng? Đáp số bí ẩn cho những câu hỏi đó ngay đối với những số phận của lớp
10K Chu Văn An chúng tôi cũng thật khó lường. Nó cho thấy đất nước tôi chưa
thành thật với chính mình, và vì thế chưa sẵn sàng cho tương lai. Bốn liệt sĩ của
lớp (Vũ Tuấn Hiệp, Lê Ngọc Huyền, Nguyễn Duy Lâm, Nguyễn Minh Quang) cũng là bốn
người nằm trong tốp học giỏi hàng đầu của lớp. Bằng chứng hiển nhiên: Họ là bốn
trong số chín thành viên Đội tuyển Hà Nội dự thi Học sinh giỏi Toán toàn Miền Bắc
1971. Trong năm người còn lại của Đội tuyển, chỉ một mình Thái Quỳnh Phong được
may mắn đi học nước ngoài, theo tiêu chuẩn Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam. (Gia
đình Phong thuộc diện Miền Nam tập kết.) Số phận những người còn lại khá phức tạp.
Đến lúc này, nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng vẫn chưa phải lúc để nói hết những
bí ẩn về số phận của họ.
Hy vọng rằng cái ngày có thể bạch hoá toàn bộ những bí ẩn về
số phận con người không còn xa nữa.
*
* *
Năm 2013, tôi cùng một người bạn tìm về mảnh đất có căn nhà
tập thể lợp lá của lớp chuyên Toán chúng tôi, do Sở Giáo dục Hà Nội đặt tại
Xuân Đỉnh (1968-1970). Khu đất nay đã thành một quần thể chật ních nhà cửa. Để
cho chắc chắn, tôi hỏi thăm một người phụ nữ, tuổi chừng 35-37, bán tạp hoá ở một
cửa hàng khá khang trang ngay bìa khu đất, nơi ngày xưa là căn hộ của cô Đỗ Thu
Phong. Tôi hỏi đây có phải khu đất, xưa là bãi tha ma, có căn nhà tập thể của học
sinh chuyên Toán trường Xuân Đỉnh. Người phụ nữ ấy nhăn mặt: “ Ở đây làm gì có
bãi tha ma nào? ” Tôi bèn hỏi cách khác: “ Con đường xế bên tay trái chị có phải
đường dẫn vào làng, nơi có lò bánh mì của vợ chồng ông Tư Sượng và bà Nhâm Nhoe
không? ” Người phụ nữ ấy bảo: “ Vâng, đúng rồi ”.
Một nửa thế kỷ đã qua. Khi chúng tôi học ở đây thì 15 năm
sau người phụ nữ bán tạp hoá này mới ra đời. Cô ấy không biết về tiền sử của mảnh
đất cũng là lẽ thường tình.
Ảnh đội tuyển thi học sinh giỏi Miền Bắc 1971. |
*
* *
Về trường Chu Văn An bây giờ, thấy khác rất xa xưa. Sân bóng
đá không còn liền với trường nữa: Có một con đường chạy ra dãy quán cá Hồ Tây
ngăn trường Chu Văn An với sân vận động. Ngày xưa, giữa giờ học, chúng tôi thường
ra khoả chân xuống Hồ Tây. Bây giờ, ngăn cách trường với Hồ Tây là con đường rải
nhựa, mang tên Nguyễn Đình Thi. Toàn bộ con đường này ngày xưa nằm trong lòng hồ.
Những người mới biết Hồ Tây bảo rằng, nhờ có con đường mà họ được đi ven Hồ
Tây. Những học trò trường Chu Văn An xưa lại bồn chồn nhớ cái thời bên kia hồ
không thấy bến bờ, chỉ thấy một màn sương mù mờ ảo giăng đầy.
Ảnh lớp 10K chụp tại sân bóng sau khi thi tốt nghiệp. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét