Bài của Thắng cộc viết về hội Phôn, đăng trên facebook. Chép lại đây cho dễ tìm.
NGÀY XUÂN HOÀI CỔ, NHỚ VỀ KỶ NIỆM XƯA
NGÀY XUÂN HOÀI CỔ, NHỚ VỀ KỶ NIỆM XƯA
" Khi về già, niềm tự hào của tôi không phải là có bao nhiêu tiền mà là có bao nhiêu kỷ niệm đẹp"
Tháng 3 năm 1972, Tổng thống Mỹ Nixon đã ra lệnh ném bom trở lại Miền Bắc sau 4 năm tạm ngưng. Lúc đó, tôi đang là sinh viên năm thứ nhất lớp K16, Khoa Toán, ĐHTH Hà nội. Ngày 22/ 4/1972 lớp K16 được lệnh sơ tán về thôn Quảng Minh, huyện Thanh oai , tỉnh Hà tây cũ, cách Hà nội khoảng 15 km.
Thôn Quảng Minh ở bên bờ sông Nhuệ, bên cạnh thôn là làng cổ Cự Đà . Dòng sông Nhuệ trong xanh vắt qua thôn như một dải lụa , là nơi tắm giặt và cung cấp nước sinh hoạt cho cả thôn. Có một cây đa cổ thụ soi bóng xuống dòng sông, trông rất nên thơ. Tôi được phân ở cùng với 6 bạn Hà nội là: Bạch Long Giang,Vũ Duy Sơn, Trương Mạnh Hùng,Đào Trọng Thu,Lê Tuấn và Nguyễn Hữu Việt Hưng. Chúng tôi tá túc trong một gia đình nông dân ở rìa làng, sát bờ tre và nhìn ra cánh đồng. Mỗi buổi tối, bảy chàng trai lộc ngộc lại xoay xở nằm ngủ trên hai chiếc giường nằm trên gian chính của ngôi nhà. Giường to bốn thằng nằm,giường nhỏ ba thẳng nằm. Không nhớ hai bác chủ nhà và đàn con lít nhít của bác nằm ngủ ở đâu. Một tối ngủ có mắc màn hẳn hoi mà chúng tôi vẫn bị đàn muỗi tấn công. Soi đèn thì phát hiện ra ở đỉnh màn có một lỗ thủng to tướng . Cả bọn reo lên và gọi đó là " lỗ trí tuệ". Cứ vài ngày lại có thằng phóng xe đạp về Hà nội để lấy thực phẩm tiếp tế cho cả nhà ăn tươi, vì bữa cơm tập thể của lớp rất đạm bạc, thức ăn chả có gì.
Tự cho mình là sang chảnh, hào hoa phong nhã, con nhà có điều kiện , bảy gã này vỗ ngực tự xưng là các " quý tộc họ Phôn" . Tiếc rằng đã không có nàng Bạch Tuyết nào lạc vào nhà để có được "Nàng Bạch Tuyết và bảy chàng quý tộc họ Phôn" , giống như "Nàng Bạch Tuyết và bảy chú Lùn" trong truyện cổ Grim
"Nàng ở khuất núi khuất non,
Tại nhà của bảy chú lùn xa xa"
Việc học phải tạm dừng lại .Một công việc hàng ngày của các "quýt stộc" họ Phôn là tụ tập hát cho nhau nghe . Họ không hát Nhạc Đỏ ( Ca khúc cách mạng,chống Mỹ cứu nước) mà chỉ hát Nhạc Vàng ( Ca khúc Bolero trữ tình) . Phải hát chui, không cho thầy chủ nhiệm và lớp trưởng biết vì thời đó Nhạc vàng được coi là thứ nhạc "ướt át ,đồi trụy ", bị cấm hát . Trương Mạnh Hùng , một chàng trai có đôi mắt đẹp như mắt nai ,là người biết nhiều Nhạc vàng hay hát Nhạc vàng hay nhất. Giọng ca của Hùng mượt mà, mùi mẫn, có thể làm tan chảy những trái tim đa cảm , có thể làm 'vàng nhà , vàng cửa" (từ của Bạch Long Giang) . Vì thế Hùng có biệt danh là "Hùng vọt". Trừ Tuấn ra , cả 6 nhà quý tộc họ Phôn đều có biệt danh "Giang cò, Hùng vọt, Hưng nghệt, Sơn giật, Thắng cộc, Thu cói" . Các việc hàng ngày khác của họ Phôn là tụ tập chém gió, đá bóng , tắm sông , trêu ghẹo các cô thôn nữ.
Hỡi ôi, ngày vui ngắn chẳng tày gang. Ngày 15/5/1972 bỗng có lệnh gọi 22 bạn trong lớp K16 thực hiện nghĩa vụ quân sự , trong số đó có bốn gã họ Phôn là Giang,Sơn, Hùng và Thu. Còn lại Tuấn, Hưng và tôi, do là con trai duy nhất trong nhà, nên được tạm hoãn đợt này. Nhớ thương và luyến tiếc những ngày vui đó, ba người ở lại bâng khuâng, ngơ ngác mất mấy hôm. Cuộc chơi của các quý tộc họ Phôn đến đây là kết thúc và để lại một kỷ niệm ngọt ngào .
47 năm đã trôi qua nhưng những ngày sơ tán tại thôn Quảng Minh vẫn đọng lại trong tâm trí chúng tôi như một kỷ niệm đẹp khó phai mờ. May mắn là chúng tôi còn lưu giữ được hai tấm ảnh của thời kỳ đó . Một tấm ảnh chụp sau trận đá bóng trên bãi bồi của sông Nhuệ. Một tấm ảnh chụp sau buổi tắm sông Nhuệ, tất cả đều cởi trần. Đó là hai tấm ảnh đen trắng duy nhất và có tuổi đời lâu nhất trong bộ Album của lớp K16 .
Tôi có một câu hỏi sau đây, dành riêng cho các bạn nữ lớp K16
"Những "cụ" U70 nào trong tấm ảnh màu năm 2019 , là chàng trai có mặt trong hai tấm ảnh đen trắng năm 1972 ? Nói cách khác , ai là người có mặt trong cả ba tấm ảnh dưới đây? Chỉ rõ họ, tên ,vị trí của người ấy trong mỗi tấm ảnh"
VĨ THANH
Năm 2011, lớp K16 có tổ chức về thăm lại thôn Quảng Minh, bây giờ thuộc về "Hà lội mở rộng". Ôi thôi thôi!Thôn Quảng Minh yên tĩnh thơ mộng xưa kia nay đã thành một chốn nửa tỉnh nửa quê, phố chẳng ra phố, làng chẳng ra làng. Đau đớn thay, con sông Nhuệ trong xanh hiền hòa ngày nào mà mỗi chiều bọn tôi thường ra tắm , đã chết và trở thành một cái cống khổng lồ. Mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc .
Chợt nhớ tới một câu hát trong bài hát "Trở về dòng sông tuổi thơ"
" Hôm nay tôi trở về, lòng chợt vui khi thấy sông không già"
tôi thầm hát:
"Hôm nay tôi trở về ,lòng buồn ghê khi thấy sông qua đời"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét