Bài của Hưng viết về 8D-9D Xuân Đỉnh
Nguyễn H. V. Hưng
HỌC CHUYÊN TOÁN HÀ NỘI: XUÂN ĐỈNH
VÀ CHU VĂN AN, phần 1
28 tháng 9, 2019 · Công khai
Tôi nhập học lớp Phổ thông chuyên
Toán của Sở Giáo dục Hà Nội, đặt tại trường cấp III Xuân Đỉnh, muộn chừng 2
tháng so với ngày lớp tập trung. Bấy giờ vào khoảng cuối tháng 10, đầu tháng
11 năm 1968. Hầu hết cả lớp còn ở trọ nhà dân trong làng. Chỉ có Đào Trọng
Thu (lớp trưởng) và một hai người nữa (tôi không nhớ rõ những ai) ở cái phòng
nhỏ đầu hồi lớp học. Tôi được phân vào trọ cùng nhà với Đặng Thanh Lương và
Trần Đức Thắng, ba đứa vốn cùng học Trường (cấp II) Năng khiếu huyện Gia Lâm
(đặt tại làng Lệ Chi). Tôi nhớ gia đình chúng tôi trọ có một chị bị thần
kinh. Lại nghe nói làng Xuân Đỉnh có không ít người bị bệnh hủi. Cho nên hồi
đó chúng tôi hơi bị ức chế về chuyện này.
Lúc ấy, nhà tập thể của lớp đang
được gấp rút hoàn thành trên một bãi tha ma nhỏ, các mồ mả vẫn để nguyên ở
đó. Chừng 2 tuần sau khi tôi vào lớp thì cả lớp được chuyển về ngôi nhà vừa
mới cất xong. Mái nhà lợp rạ. Mỗi người tự mang vào Xuân Đỉnh giường nằm cho
mình. Tôi còn nhớ tôi mang lên cái phản con mà gia đình tôi vẫn dùng để ngồi
ngoài hè những đêm trời quá nóng. Cái phản này nhiều tuổi hơn tôi, cho nên
sau này phải bỏ nó lại Xuân Đỉnh tôi tiếc lắm.
Buồng nhỏ bên phải căn nhà là của
4 bạn nữ. Buồng trái là của gia đình cô Nguyệt dạy Văn. Cô Nguyệt không dạy
lớp tôi. Khi dọn vào căn nhà mới cùng với lớp tôi, gia đình cô vừa có bé gái
đầu lòng. Tôi nằm ở cái giường kê sát vách ngăn với buồng cô Nguyệt, nên được
nghe tiếng khóc trẻ con nhiều nhất lớp.
Cô Đỗ Thu Phong (dạy Sinh Vật) ở
căn nhà rất bé, nhưng là nhà gạch mái ngói duy nhất trong cả khu đất. Cô
Phong có họ với mẹ tôi, họ Đỗ Như, gốc ở làng Thổ Khối (Gia Lâm). Tôi phải
gọi cô bằng bác. Lúc ấy cô Phong vừa lấy chồng, một sĩ quan quân đội.
*
* *
Một buổi chiều chờ cơm, Khánh Thái
đứng trên đống rơm biểu diễn trò bật nhảy tại chỗ và quay vòng chừng 270 độ
(bằng 3 góc vuông). Trò này Thái học được từ thời ở trường Nguyễn Văn Trỗi,
bên Quế Lâm (Trung quốc). Một vài người bắt chước, nhưng chưa thành công. Đến
lượt Hiệp, cao lớn nhất lớp, vào nhẩy thử. Mới thử nhẩy một lần, đã thấy Hiệp
sau đó lẳng lặng ngồi yên một chỗ. Lát sau, Hiệp nhằn nhằn một cục máu trong
miệng, và bảo: “Gãy răng rồi”. Tưởng Hiệp đùa, ai ngờ đó là chuyện thật: Hiệp
bị gãy 2 răng cửa, mỗi cái một nửa. Sau đó, Hiệp thấy buốt, vì chỗ gẫy để hở
tuỷ răng. Thế là một bạn trong lớp phải đưa Hiệp về Hà Nội ngay tối hôm đó,
để vào bệnh viện rút tuỷ ra, gắn mát-tít vào chỗ răng gãy. Hiệp mang tên
Hiệp-sứt từ đó. Hè 1971, trước khi đi bộ đội, Hiệp mới làm lại hai cái răng
sứt ấy.
Khánh Thái còn bày ra một trò
nghịch dại nữa. Dạo bên trường Nguyễn Văn Trỗi, Thái theo trào lưu, xăm vào
ngực một trái tim với mũi tên xuyên qua. Khi về Xuân Đỉnh, đã đủ lớn, Thái
hiểu ra rằng cái hình đó là thứ xăm trổ của dân “anh chị”, không đẹp. Thái
muốn tẩy nó đi. Dạo ấy, dạy Hoá cho lớp 8D chúng tôi là thầy Tạo. Thầy không
có vẻ ngoài bắt mắt, nhưng dạy rất hay, khúc chiết, cuốn hút, và sâu sắc.
Tuần nào lớp tôi cũng có một buổi chiều thí nghiệm Hoá. Sau này tôi mới biết
rằng rất ít trường, kể cả đại học, có được điều kiện thí nghiệm tốt như Xuân
Đỉnh. Mỗi buổi thí nghiệm, thầy Tạo chia lớp thành một số nhóm, và chỉ định
nhóm trưởng cho mỗi nhóm. Mỗi nhóm được giao một số hoá chất khác nhau, có
nhiệm vụ điều chế những chất khác nhau, rồi ghi chép các phản ứng xảy ra.
Trước khi vào việc, thầy căn dặn về tính năng những hoá chất đặc biệt độc
hại. Chẳng hạn, không được đổ nước vào axit sunphuric đậm đặc, để tránh axit
bắn lên, gây nguy hiểm. Phải làm ngược lại, từ từ đổ axit sunphuric đậm đặc
vào nước. Hôm ấy, trong những hoá chất mà lớp được thầy trao có dung dịch
Bromur Kali (KBr) là một chất ăn da, bị phân huỷ dưới ánh sáng, nên phải bảo
quản trong lọ thuỷ tinh màu tím sẫm. Khi cả lớp lúi húi làm thí nghiệm hoá
học, thì Khánh Thái chăm chú vào tính năng ăn da của Bromur Kali, lẳng lặng
lấy một ít hoá chất này bôi lên vết xăm trên ngực mình. Lát sau, màu xanh
chàm của vết xăm nhạt dần, nhường chỗ cho màu da bình thường. Thái thích lắm.
Chừng 4h30 chiều, buổi thí nghiệm hoá kết thúc, cả lớp trở về căn nhà tập
thể. Lúc ấy Thái lo ra mặt, vì da ở chỗ hình xăm tiếp tục bị ăn mòn. Lát sau,
khi Thái cho bạn bè trong lớp xem, thì vết xăm đã bị ăn sâu vào thịt chừng
1/3 cm, lòi cả mỡ vàng khè. (Bố Thái là bộ trưởng, nhà Thái ăn uống đầy đủ,
nên nó béo nhất lớp.) Đến chiều muộn, mặc dù đã bóp đầy thuốc mỡ kháng sinh
vào vết xăm, Thái vẫn xót không chịu được. Thế là nó phải phóng xe đạp về Hà
Nội, vào bệnh viện cấp cứu. Về sau, Thái có vết sẹo không giấu được trên vết
xăm hình trái tim với mũi tên xuyên qua trên ngực.
*
* *
Chuyện lớp tôi “phóng tên lửa” gắn
liền với công của Bạch Long Giang. Hồi đó, những quả tên lửa Mỹ chưa nổ nhiều
lắm, có thể do lỗi chế tạo, cũng có thể do máy bay mang tên lửa chưa kịp
phóng nó đi thì đã bị hạ. Nhiên liệu của các quả tên lửa Mỹ có hình trụ tròn
xoay, to cỡ bằng ngón tay út, rỗng ở giữa, dài chừng vài chục centimet, đủ
mầu: đỏ, nâu, xanh, vàng, tím… (Chắc mầu sắc dùng để đánh dấu vai trò của
thanh nhiên liệu.) Những thứ này hồi đó bày bán ở chợ, rất rẻ. Thật ra, người
ta cũng chẳng biết dùng chúng vào việc gì, ngoài chuyện cho trẻ con nghịch.
Có người cắn thử mấy thanh nhiên liệu tên lửa, bảo rằng chúng hơi ngòn ngọt.
Thế rồi, họ bảo có thể “ăn” một chút nhiên liệu ấy, để đi ngoài ra giun. Dân
Việt Nam mình liều thật, cái gì cũng cho vào mồm. Nghe thế đủ biết mấy thanh
ấy độc lắm.
Nhà Bạch Long Giang có cửa hàng gò
hàn ở mặt phố Bạch Mai. Một hôm cuối tuần, Giang bỏ công hì hục gò một quả
tên lửa nhỏ bằng tôn, sáng choang, hình thức trông tựa quả tên lửa SAM 2 mà
chúng tôi vẫn thấy bộ đội vận chuyển ngoài quốc lộ: Thân rỗng hình trụ tròn,
đầu nhọn, hai dàn cánh phía trên và dưới xoè ra 3 cánh đều nhau. Quả tên lửa
được Giang hàn rất cẩn thận. Chúng tôi nhồi chặt quả tên lửa bằng các thanh
nhiên liệu Mỹ đã nói ở trên. Xong xuôi, tìm một mặt bằng đặt quả tên lửa
hướng lên trời. Mỗi đứa tìm một chỗ núp sau đống rơm, sau bụi chuối, sau mô
đất… Giang đốt một đoạn vải khá dài (để còn đủ thời gian đi nấp) nối với các
thanh nhiên liệu thò ra từ đít quả tên lửa. Lửa cháy hết đoạn vải, đã bén vào
các thanh nhiên liệu. Chúng tôi đứa nào đứa nấy đã nấp vào chỗ mà mình chọn.
Lặng im. Chờ. Chúng tôi tưởng tượng quả tên lửa hùng dũng lao vút lên trời
xanh. Nó có thể không giữ thăng bằng được lâu, nhưng thể nào cũng vọt lên
chừng mươi mét trước khi hết nhiên liệu, rồi đổ ập xuống… Lửa vẫn cháy rừng
rực ở đít quả tên lửa…Chúng tôi hồi hộp… Bỗng xoẹt một cái, rất nhanh, cả quả
tên lửa đổ xập, rời ra từng mảnh, các miếng tôn lăn lóc, lỏng chỏng…
Lúc ấy, chúng tôi mới để ý rằng,
thiếc mà Giang hàn quả tên lửa là một hợp kim có nhiệt độ nóng chảy khá thấp,
trong khoảng từ 180 đến 190 độ C. Cả bọn được một bữa cười no bụng.
*
* *
Chúng tôi học và trọ ở cái nhà lá
dựng trên “bãi tha ma” cho đến hết lớp 8. Trong bãi tha ma ấy, có những nấm
mồ bằng đất, nhưng cũng có những nấm mồ đã được quây gạch tròn. Vào những
ngày mưa dầm, bãi cỏ trước nhà tập thể của lớp chẳng còn chỗ nào khô ráo để
ăn cơm, bữa ăn vốn đã đạm bạc. Một số nhóm ngồi ăn ngay trên những nấm mộ đã
được quây gạch tròn. Phải thú thật là cá nhân tôi không bao giờ dám làm thế.
Tôi cứ thấy hãi hãi thế nào ấy.
Đầu lớp 9, khoảng 2 tuần đầu năm,
cả lớp tôi cứ hàng ngày đi học ở Xuân Đỉnh rồi lại về nhà bằng xe đạp. Như
thế hơi xa. Với tôi chẳng hạn, khoảng cách từ nhà đến trường Xuân Đỉnh là
chừng 10km. Sau đó, chúng tôi lại vào ở nhà tập thể như trước.
Năm lớp 9, chúng tôi cũng được dọn
ra học ở dãy nhà gạch mới xây, gồm 4 căn, dành cho 4 lớp khối 9, nằm sát sân
vận động của trường. Bên cạnh môn Toán, đương nhiên là môn “tủ” của lớp
chuyên Toán chúng tôi, năm ấy lớp tôi có may mắn được học Văn với thầy Trần
Anh Vinh, thầy dạy văn hay nhất mà tôi từng được học trong suốt thời phổ
thông. (Tôi đã có bài viết riêng về những kỷ niệm với thầy Trần Anh Vinh.)
Được chừng 1-2 tháng thì lớp tổ
chức thuê ôtô đưa đón hàng ngày. Nơi đỗ ôtô là con đê sau trường. Phía Hà Nội
thì điểm đỗ là Bờ Hồ. Do thấy đi về không thuận tiện, có 4 bạn vẫn ở lại
trong khu tập thể mà không đi về hàng ngày bằng ô tô. Bốn người này gồm tôi,
Nguyễn Minh Quang, Trịnh Việt Bắc, và Phạm Trọng Minh. Chúng tôi vẫn ăn cơm
tập thể ở bếp ăn chung của trường cấp III Xuân Đỉnh.
*
* *
Năm tháng trôi qua, mỗi khi nhớ
lại, đôi khi tôi thấy hai năm ở Xuân Đỉnh là một thời kỳ khá dài, lúc mà tôi
học được rất nhiều; đôi khi trong hoàn cảnh khác tôi lại thấy những năm tháng
đó thật ngắn ngủi, và tôi dường như chẳng học được gì cả. Duy có cái đói và
cái khổ thì ký ức bao giờ cũng trung thành với tôi.
Chuyện tôi sắp kể dưới đây đượm
buồn, nhưng vẫn cần nhắc lại, dù (hay vì) đã 50 năm rồi.
Hàng năm, Sở Giáo dục Hà Nội mở kỳ
thi học sinh giỏi ở tất cả các môn, cho mỗi khối lớp. Mỗi trường được cử một
học sinh đại diện cho trường đi thi môn học ấy, khối lớp ấy. Riêng lớp tôi,
vì là lớp Chuyên Toán của Sở, cho nên hầu như cả lớp được dự thi học sinh
giỏi Toán. Chúng tôi đại diện Sở Giáo dục, chứ không đại diện cho trường nơi
chúng tôi được gửi, chẳng hạn trong hai năm 1968-1970, là trường Xuân Đỉnh.
Tuy nhiên, chúng tôi có thể đại diện trường Xuân Đỉnh trong những môn không
phải Toán. Tiếng thế, chúng tôi chỉ hào hứng thi môn Toán. Các môn khác
thường là chúng tôi bị ép đi thi.
Năm lớp 8, 1968-1969, tôi nhập học
muộn gần 2 tháng so với cả lớp, vì những lý do vớ vẩn mà người ta gọi là lý
lịch. Những sang chấn tâm lý còn đeo đuổi tôi cho đến hết năm học ấy, tôi học
mà không mấy hào hứng, kể cả với môn Toán. Năm ấy, bạn L. trường Xuân Đỉnh
được giải nhất Sinh vật lớp 8 thành phố Hà Nội. Theo quy chế, L. được quyền
dự thi học sinh giỏi Sinh vật lớp 9 thành phố với tư cách cá nhân. Do đó,
trường Xuân Đỉnh được cử một học trò khác đại diện trường thi học sinh giỏi
Sinh vật lớp 9 thành phố Hà Nội. Cô Đỗ Thu Phong, dạy Sinh vật lớp tôi, muốn
cử tôi đi thi.
Cùng thời gian đó, thầy Thân, Hiệu
phó, đồng thời dạy Lý lớp tôi, cũng muốn cử tôi đi thi môn Lý. Thực lòng mà
nói, tôi thích thi môn Lý hơn. Môn này gần với Toán, và không đòi hỏi phải
học thuộc lòng. Ở trên tôi đã nói cô Phong là bác họ tôi. Từ chối thẳng thừng
với cô dường như là điều tôi không thể làm. Tôi định bụng sẽ nhận lời cầm
chừng với cả cô Phong và thầy Thân, rồi gần đến ngày thi thì nhận lời thi môn
Vật Lý. Nào ngờ, chưa đâu vào đâu, cô Phong khoe toáng lên với thầy Thân,
rằng tôi đã nhận lời thi Sinh vật. Thầy Thân tự ái, bảo tôi rằng: “Nghe nói
cậu đã nhận lời thi môn Sinh vật, vậy thì thôi”. Tôi thấy thầy Thân bảo thôi,
cũng hơi tiếc, nhưng dù sao cũng thoát được một chuyện khó xử. Vậy là, “lộng
giả thành chân”, tôi chính thức nhận lời thi học sinh giỏi Sinh vật, một môn
mà tôi chẳng thích thú gì cho lắm.
Tôi và L. đến nhà cô Phong ở phố
Thuốc Bắc để nghe cô phụ đạo vài buổi. Lúc ấy tôi được biết bố của L. phụ
trách giáo vụ môn sinh vật của Sở Giáo dục Hà Nội. Năm trước, khi L. thi học
sinh giỏi sinh vật lớp 8, chính ông là người ra đề cho con gái thi. Năm
1969-1970, L. thi học sinh giỏi sinh vật lớp 9, chính ông lại là người ra đề
thi học sinh giỏi sinh vật lớp 9. Một hôm, gần ngày thi, L. buột miệng nói
với cô Phong: “Sáng nay, thầy A và thầy B, những người ra đề thi học sinh
giỏi sinh vật lớp 8 và lớp 10, đến báo cáo với bố em về đề thi”. Cô Phong
hỏi: “Thế các thầy ấy nói những gì?” L. thản nhiên đáp: “Em có thi Sinh vật ở
các lớp ấy đâu mà em nghe”.
Thế là rõ. Chính L. nói với cô
Phong như thế trước mặt tôi. Thế này còn thi cử gì nữa. Nhiều năm sau tôi vẫn
tiếc, giá lúc ấy tôi đủ sự từng trải, tôi sẽ lễ phép thưa với cô Phong rằng
tôi từ chối thi. Chẳng vinh dự gì tham dự một kỳ thi như vậy.
Năm ấy, đề thi hỏi về học thuyết
tiến hoá Darwin. L. lại nhất, còn tôi đoạt giải ba thành phố Hà Nội. Tôi chẳng
bao giờ mảy may tự hào về giải thưởng đó. Hơn nữa, ngày ấy tôi đã lờ mờ cảm
thấy học thuyết Darwin có cái gì bá đạo, trơn tru, và khó tin quá. Bây giờ
thì đã rõ. Toàn thế giới người ta ngờ vực và kết tội Darwin đã đạo diễn một
học thuyết không trung thực.
*
* *
Cuối năm học 1969-1970, giữa hai
đời tổng thống Mỹ, máy bay Mỹ tạm ngừng ném bom khu vực ngoài vĩ tuyến 20,
chúng tôi chuẩn bị chuyển từ trường Xuân Đỉnh về trường Chu Văn An. Thầy dạy
Toán đồng thời chủ nhiệm lớp chúng tôi Vũ Xuân Mai đưa ra ý định cả lớp tôi
đi nghỉ mát ở bãi biển Đồng Châu (Thái Bình). Kinh phí sau nhiều lần trù tính
được chốt lại ở mức 35 đồng. Nhớ rằng 36 đồng là mức lương hồi đó của một
người lao động đơn giản mới vào nghề. Đương nhiên, bạn nào mà gia đình có thể
đóng số tiền đó sẽ tham dự chuyến đi. Thú thật, khi đó tôi không biết gia
đình tôi có lo được số tiền đó cho tôi đi nghỉ mát hay không. Nhưng tôi tự
thấy số tiền đó quá lớn, tôi không thể làm phiền gia đình bằng một chuyện
không đâu như vậy. Cho nên, tôi không hề thông báo và hỏi ý kiến gia đình về
chuyến nghỉ mát này.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét