Bài của Hưng nghệt viết về hội Phôn và các biệt danh, đăng trên facebook.
DÒNG HỌ PHÔN VÀ CHUYỆN… BIỆT DANH
DÒNG HỌ PHÔN VÀ CHUYỆN… BIỆT DANH
Bằng này tuổi rồi mà tôi còn hồi hộp ngóng đợi ngày mai 23/2/2020, có cuộc gặp gỡ đánh chén thường niên của "dòng họ" Phôn (Von). Năm nay, ngay cả Visus Corona Vũ Hán cũng không ngăn được chúng tôi gặp nhau.
Chuyện quay về với quãng thời gian gần nửa thế kỷ trước. Cuối năm 1971, chúng tôi trở thành sinh viên K16 Khoa Toán Đại học Tổng hợp Hà Nội. Lúc ấy đang là quãng thời gian yên hàn ngắn ngủi giữa hai đời tổng thống Mỹ, Johsons và Nixon. Dịp này, Mỹ tuyên bố chỉ đánh phá Miền Bắc Việt Nam ở phía nam vĩ tuyến 20. Thành ra, khu vực bắc vĩ tuyến 20 có khoảng 2 năm 1970 – 1972 không có bom đạn.
Chúng tôi học ở Thượng Đình được chưa đầy một năm, tháng 4 năm 1972, dưới thời Nixon, Mỹ đánh phá trở lại toàn bộ Miền Bắc Việt Nam. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội gấp rút sơ tán về Thanh Oai (Hà Tây cũ). Lớp chúng tôi được phân về Quảng Minh.
Từ Thượng Đình, theo đường Kim Giang, qua Cầu Tó, trung điểm của con đường nối Hà Đông với Văn Điển, qua làng Tả Thanh Oai của dòng họ Ngô Thì Nhậm, rồi qua làng Cự Đà, quê hương của nhiều gia tộc tư sản lớn ở Hà Nội, nơi có những con đường kè đá viền tường rào sát bờ sông, và những cột đèn treo bằng sắt với hình dáng cùng những đường nét trang trí gợi nhớ các thị trấn Châu Âu thời trung cổ, xuôi sông Nhuệ chừng 4-5 km là tới Quảng Minh. Đó là một làng nghèo, không có nét gì đặc biệt, ngoại trừ việc nó nằm dọc bờ sông Nhuệ. Bấy giờ, trai tráng đã ra trận hết, cả làng còn lại toàn đàn bà con gái.
Sông Nhuệ lúc ấy không hẳn là trong xanh, nhưng vẫn là nơi tắm giặt của cả làng và lũ sinh viên sơ tán chúng tôi. Bây giờ thì sông Nhuệ đã thành một dòng đen kịt. Nhà thơ Lê Huy Mậu và nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo thật hạnh phúc khi họ còn kịp: "Quá nửa đời phiêu dạt, Con lại về úp mặt vào sông quê". Nếu bây giờ bạn úp mặt vào sông Nhuệ, thì không có thành tựu y học nào trên thế giới khả dĩ cứu được bạn nữa.
Lũ chúng tôi 7 chàng trai Hà Nội (gồm Bạch Long Giang, Trương Mạnh Hùng, Nguyễn Hữu Việt Hưng, Vũ Duy Sơn, Đặng Hùng Thắng, Đào Trọng Thu, Lê Tuấn) trọ trong một gia đình ở rìa làng, sát bờ tre, sau đó là cánh đồng, so với cả làng thì xa dòng sông nhất. Tuổi trẻ thường tếu táo. Chúng tôi tự nhận mình là dòng họ Phôn (Von), quý tộc Đức.
Tôi không nhớ gì đáng kể về ông bà chủ nhà, những người có quán hàng nước ở một phố huyện cách làng chừng mươi cây số, rất ít khi về nhà. Anh con trai lớn của gia đình đã nhập ngũ. Người lớn tuổi nhất trong gia đình ông bà chủ thường xuyên có mặt trong ngôi nhà là chị Mây, con gái lớn của gia đình, trạc tuổi bọn tôi, nước da bánh mật, tần tảo, ý tứ và thầm lặng.
Phải nói ngay để tránh mọi người hiểu lầm rằng dòng họ quý tộc Phôn của chúng tôi sống sang chảnh lắm. Có lẽ chúng tôi có đỡ khó khăn hơn so với các bạn cùng lớp quê ở miền Trung (Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An…), Tuy nhiên, hai chuyện sau đây đủ cho thấy cuộc sống khốn khó của chúng tôi dạo ấy.
Hồi đó không có chỗ ngồi ăn cho cả lớp. Nhận cơm ở bếp, nhà nào bưng cơm về nhà nấy ăn. Thỉnh thoảng, 7 đứa chúng tôi góp nhau chút tiền còm cõi, mua thêm thức ăn cho bữa cơm bớt phần đạm bạc. Tôi có một món tủ, là lạc rang với muối. Tôi làm món này được lắm, cả 7 thằng đều tín nhiệm. Lạc phải vàng, giòn tan, chín đều, mà không cháy. Giữ nhỏ lửa và đảo lạc cho đều. Toàn bộ "bí quyết" nằm ở thời điểm cho nước muối vào lạc đang rang. Đó là khi có rất nhiều hạt lạc nổ, lộ ra mầu trắng dưới lớp vỏ nâu. Nếu cho muộn, thì lạc cháy đen và khét, nếu cho sớm thì lạc chưa giòn, có rang thêm mãi vẫn chẳng bao giờ giòn.
Một hôm, thấy chúng tôi ăn uống kham khổ quá, chị chủ nhà hảo tâm đem cho một bát cà pháo muối giòn tan. Cà muối với tỏi, nên rất trắng, thơm, để tới bữa sau vẫn không bị thâm. Tôi vốn rất sợ tỏi. Ở nhà, bà nội tôi làm nội trợ. Cụ không ăn tỏi, không bao giờ dùng tỏi để nấu nướng, nên "đào tạo" ra cả nhà tôi đều sợ tỏi. Hồi ở Thượng Đình, tôi nhiều lần phải ăn cơm nhạt, vì thức ăn có độc hai món là bí ngô xào tỏi và canh bí ngô với tỏi. Thế mà món cà pháo muối tỏi ở Quảng Minh đã thuyết phục tôi hoàn toàn. Từ đó, chúng tôi thỉnh thoảng gửi chị chủ nhà ít tiền, để chị muối thêm cà vào vại của gia đình, cho chúng tôi cùng ăn.
*
* *
Tôi muốn kể về biệt danh của các chàng trai dòng họ Phôn.
Khi vào học K16 thì ba tên vốn từ chuyên toán Hà Nội, là Bạch Long Giang, Đào Trọng Thu, và tôi đã có biệt danh. Chúng tôi được gọi là: Giang-cò, Thu-cói, và Hưng-nghệt. Giang cao và gầy, cái tên Giang-cò không có gì phải bàn cãi. Nếu phải tranh luận về nguồn gốc biệt danh Thu-cói thì tôi sợ rằng bây giờ cả lớp chuyên toán Hà Nội 1968-1971 sẽ cãi nhau rất hăng, mà chưa chắc đã có câu trả lời thoả đáng. Cái tên Hưng-nghệt có từ khi tôi học chuyên toán cấp II ở Lệ Chi 1967-1968. Người đặt ra nó là ông bạn Đặng Thanh Lương, người mà số phận đã gắn bó với tôi từ khi chúng tôi học lớp 4 cho đến nay. Số là, mỗi khi tôi tập trung suy nghĩ chuyện gì thì gương mặt tôi dại đờ đi, "nghệt" ra. Phải thú thật rằng, hồi xưa tôi không thích cái biệt danh này. Về sau, tôi phải công nhận tay Lương tài thật.
Ba biệt danh còn lại của dòng họ Phôn đều do tôi đặt.
Chẳng biết bằng cách nào mà 7 thằng chúng tôi nằm vừa trên hai cái phản kê liền nhau. Nhà chỉ có một vại nước nhỏ, chứa được một hai gánh nước. Buổi tối, gia đình nấu ăn xong thì vại nước cũng gần cạn. Tối khuya, nếu không may bẩn chân, thì rất có thể không còn nước rửa. Cho nên, những ngày mưa dầm, buổi tối phải ra rặng tre đi…tè, thì rất gay go. May mà trong lũ chúng tôi có Đặng Hùng Thắng, to cao nhất bọn, sở hữu một đôi dép cao su như hai cái xà-lan. Xỏ vào hai cái xà-lan đó thì đôi chân của mình được bảo vệ tuyệt đối an toàn. Thế là tối tối, chúng tôi lần lượt mượn đôi xà-lan của Thắng để đi ra rặng tre. Từ đó, tôi nghĩ ra cái tên ghép "Thắng cộc", nay được thừa nhận rộng rãi. Chữ "cộc" gợi sự to lớn, có lẽ được gợi hứng từ chữ "cồ" (tiếng Việt cổ, nghĩa là lớn) và chữ "gộc".
Trương Mạnh Hùng có đôi mắt rất đẹp, mềm như mắt thỏ non, và một giọng hát mượt mà, bay và ngọt, có lẽ chịu ảnh hưởng từ anh ruột hắn, là diễn viên của một đoàn chèo. Hùng hát rất "nẩy", và có khuynh hướng "vàng hoá" mọi bản nhạc, nhất là bài "Trường Sơn đông, Trường Sơn tây" rất phổ biến thời ấy. Vì thế, tôi đặt cho hắn biệt danh "Hùng vọt". Sau này, hắn đi bộ đội, biệt danh ấy có lúc làm khổ hắn trước con mắt của mấy vị chỉ huy ít học mà hay thích nói chuyện quan điểm. Hình như hắn có hơi oán tôi, người đặt ra cái biệt danh ấy.
Vũ Duy Sơn là người mà thoạt đầu những thành viên K16 vốn học chuyên toán Hà Nội, gồm Bạch Long Giang, Đào Trọng Thu, Nguyễn Ngọc Chi, và tôi, e ngại nhất. Sơn vốn là học sinh trường Nguyễn Văn Trỗi (trường gồm toàn con các ông "to"), từ Quế Lâm Trung Quốc về. Lớp chuyên toán Hà Nội chúng tôi đã nhiều phen "va chạm" với dân "Trỗi" ở trường Chu Văn An, không phải trong chuyện học hành (đương nhiên), mà trong giải bóng đá và giải văn nghệ trường. Cho nên, phải nói thật, thoạt đầu chúng tôi khá "ngán" Sơn. Hắn nói hay suy nghĩ chuyện gì cũng rất bất ngờ, giật cục, khó đoán được ý nghĩ đó bắt nguồn từ đâu, và sẽ dẫn đến đâu. Tôi bèn đặt cho hắn biệt danh "Sơn-giật".
Người duy nhất trong dòng họ Phôn cho tới nay chưa có biệt danh là Lê Tuấn. Hắn có vẻ ấm ức về chuyện này lắm. Bây giờ thì tôi tìm ra rồi. Thành viên của K16 Khoa Toán ai cũng biết cái tích "anh Kinh, chị Thổ" xuất hiện vào dịp Noel 1972, khi lớp chúng tôi đã rời Quảng Minh lên Khánh Vân (Hiệp Hoà, Hà Bắc), nay thuộc về Bắc Giang, tập quân sự bắn đạn thật ở Đại Từ (Thái Nguyên). Lúc ấy, cả lớp được hưởng cơm dẻo canh ngọt do anh Kinh chị Thổ nấu. Cho nên, biệt danh của Tuấn bây giờ là "Tuấn-thổ". Xin ghi tặng Tuấn-thổ một câu tiếng Thổ xịn: "Kin bố kin, nòn bố nòn, bố chắc ca lăng mòn!" Hà hà, không tin ư? Hỏi chị Thổ nhé.
*
* *
Hè năm ấy, lớp K16 đi bộ đội rất đông, vợi cả lớp. Dòng họ Phôn có 7 chàng trai, thì 4 đi bộ đội (Bạch Long Giang, Trương Mạnh Hùng, Vũ Duy Sơn, Đào Trọng Thu), chỉ còn lại Đặng Hùng Thắng, Lê Tuấn, và tôi, do gia đình chỉ có một con trai nên tạm hoãn. Những người ở lại có lúc như ngơ ngác. Thế rồi, lo ngại bị vỡ đê, có thể bị lũ lụt bao vây, Đại học Tổng hợp hà Nội chuyển lên vùng trung du Hiệp Hoà, Hà Bắc.
Lớp tôi chỉ sơ tán về Quảng Minh chừng 2 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6, 1972. Lớn lên rồi tôi mới ngộ ra rằng quan trọng không phải ở chỗ ta ở đó bao lâu, mà ở chỗ ta có những gì để nhớ về nơi ấy. Dạo đó, dường như chúng tôi không học hành gì. Bao nhiêu kỷ niệm chỉ là những chuyện cơm áo, đời thường.
Hôm chúng tôi rời Quảng Minh trời đổ mưa to, một cơn mưa rào mùa hạ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét