Thứ Năm, 16 tháng 7, 2020

ĐÔ TRƯỞNG


ĐÔ TRƯỞNG
Đô trưởng hay Thị trưởng là cách gọi chức danh người đứng đầu thành phố. Từ này phổ biến ở những nước dân chủ. Ở VN người ta hay gọi người này với cái tên Chủ tịch UBND Thành phố. Cũng có người nói ở VN chức danh Bí thư thành ủy mới là số 1. Tôi là thằng dân, nghĩ đơn giản ai là người điều hành bộ máy hành chính của thánh phố, giải quyết các việc của dân, thì người đó là Thị trưởng. Còn những kẻ lãnh đạo bằng đường lối, vui thì vỗ tay vào, khó thì lặn mất tăm, thì không thể gọi là Đô trưởng được.
Tôi cũng sống ở thành phố HN này đủ lâu, từ thời Ông Trần Duy Hưng làm chủ tịch. Vậy chắc cũng đủ để góp đôi câu về cái chức danh này.
Thời ông TDH làm đô trưởng là thời còn bao cấp. Người HN sống bằng tem phiếu. Sản xuất thì theo kế hoạch. Cả HN chỉ có 4 Quận (hồi đó gọi là Khu phố), và 4 Huyện ngoại thành. Dân tình thưa thớt, dân phố hầu như là biết hết mặt nhau.Xã hội thời đó khá yên bình nên vai trò của ông Đô trưởng chắc cũng không có gì nhiều để nói. Vả lại Ông TDH là một Bác sỹ Tây học, một con người có văn hóa nên cách ông hành xử với Thủ đô cũng không có điều gì đáng phàn nàn.
Rồi kinh tế thị trường kèm theo cái đuôi ác nghiệt: định hướng xã hội chủ nghĩa ập vào HN. HN thay đổi nhiều, kể cả các quan chức. Họ bắt đầu bán đất công lấy tiền để chỉnh trang đô thị. Có đồng ra đồng vào, và các vấn đề cũng xuất hiện từ đó. Thêm nữa, khi đất công đã cạn kiệt, thì họ bắt đầu nhòm ngó đến đất của dân. Cái từ giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho doanh nghiệp bắt đầu xuất hiện. Nhà cầm quyền thay vì phục vụ dân, quay sang phục vụ doanh nghiệp, biến các vấn đề tranh chấp quyền lợi dân sự trở thành các vấn đề của chuyên chính vô sản. Dùng sức mạnh quân đội. cảnh sát để giúp doanh nghiệp thân hữu làm giàu. Khi đó, vai trò đô trưởng đã khác.
Gần đây nghe tin đô trưởng HN phải tự lái xe đi làm. Chuyện này ở Tây chắc chẳng có gì đáng bàn. Thủ tướng còn đạp xe đi làm cũng chẳng sao. Nhưng ở VN thì khi lái xe riêng bị bắt, thì đô trưởng HN chắc cũng khó tránh khỏi bất an. Chuyện làm lãnh đạo thì không tránh khỏi chuyện này chuyện kia. Nhất là khi lòng dân bất mãn với bọn tham quan ô lại, nói một đằng làm một nẻo, ăn cắp ăn cướp của dân không từ một thứ gì, nên khi ai đó có vấn đề thì thiên hạ tha hồ ném đá, với tâm trạng hả hê. Đó cũng là lẽ thường tình. Một khi người dân bị tước đi cái quyền chọn người thay mặt mình điều hành đất nước, thì người ta còn lại đó cái quyền nhận xét và đánh giá. Chả ai tước được của họ cái quyền đó.
Thế nhưng, ngoài cái chuyện xì xèo đó, ta hãy nhìn lại xem: trong các đô trưởng đó, ai làm được gì cho HN?
Thời ông Chung làm chủ tịch, tôi thấy có nhiều điểm được.
Thứ nhất ông nghiêm khăc hơn với việc phá nát quy hoạch thành phố của người tiền nhiệm (tuy rằng kẻ này có bằng cấp Kiến trúc sư, học nước ngoài về, nhưng là lại phá nát quy hoạch thành phố). Điển hình là việc cương quyết phá dỡ phần vi phạm của tòa nhà 8B Lê Trực. Chuyện này không dễ đâu nha, xưa nay chuyện phạt cho tồn tại, chạy tiền để xây thêm tầng là chuyện bình thường. Nay dám bắt phá dỡ, bất chấp mọi chạy chọt, mà doanh nghiệp đứng sau sai phạm này cũng thuộc loại hổ báo chứ không vừa. Về phía người dân, băm nát quy hoạch đặt họ vào chuyện của những kẻ bị cướp. Đó là sự cướp bóc hạ tầng: giao thông đi lại ùn tắc, thoát nước không kịp khi mưa, trường học cho con trẻ không đủ, phụ huynh phải bỏ tiền chạy trường, áp lực lên ngành Y tế,…. Thế nhưng  việc làm đó chỉ bị những người tiền nhiệm đánh giá một cách hời hợt: buông lỏng quản lí, rồi mọi chuyện lại chìm xuồng.
Tôi nghĩ, việc xiết lại kỉ cương xây dưng, giữ cho HN khỏi bị băm nát quy hoạch là trách nhiệm của đô trưởng, nhưng những kẻ tiền nhiệm đã không làm. Nay ông Chung dám làm, đó là một điểm cộng đáng ghi nhận.
Cũng về xây dựng, HN, dưới chính thể này không có cốt 0. Tức là độ cao chuẩn cho đất nền của thành phố. Tất cả các xây dựng dân sinh và sửa chữa cầu đường trong thành phố phải theo chuẩn này. Tuy nhiên xưa nay chưa ai nhắc đến chuyện này. Thế nên mỗi khi sửa đường, bên giao thông chỉ làm theo cách đơn giản nhất là: phủ thêm từ 5cm đến 10 cm nhựa đường là xong. Hậu quả là sau vài chục năm thì đường cao hơn nhà. Để đối phó người dân đành nâng cao nền nhà, và để dắt xe vào nhà họ phải xây cái bục, lấn ra vỉa hè. Xuất hiện xung đột giữa người dân và chính quyền. HN phải chi không ít tiền cho các lực lượng đi đập bỏ các loại bục này. Và người dân bị đập bỏ các loại bục đó cũng chả vui vẻ gì. Lỗi ở đây là do HN không quy định độ cao chuẩn trong xây dựng. Chưa thấy quy định trong xây dựng phải theo cao độ nền chuẩn nào. Tuy nhiên gần đây đã thấy hướng khắc phục ở HN. Đó là HN đã cho nhập các loại máy bóc mặt đường cũ sau đó mới thảm lại thảm nhựa cho các con đường. Điều này giúp cho việc sửa chữa đường phố không làm thay đổi độ cao của mặt đường. Tuy mới thấy làm thí điểm ở vài tuyến phố, nhưng đó là một việc làm tốt, cần duy trì. Đây thêm một điểm cộng nữa cho HN.
Việc cắt tỉa cây xanh và trồng cây xanh cho HN cũng có nhiều tiến bộ. HN đã có những máy móc chuyên dụng để cắt tỉa cây xanh. Nhiều đường phố được trồng thêm cây xanh. So với kẻ tiền nhiệm chuyên chặt phá cây thì HN với đô trưởng Chung tốt hơn hẳn là đã lo chuyện cây xanh cho thành phố. Một điểm cộng nữa.
Đô thị luôn là điểm nóng về rác thải. Nhớ những năm trước, xe đổ rác chỉ hoạt động một lần trong ngày và toàn đi vào giờ chập tối. Lúc đó mật độ giao thông rất cao, ùn tắc thường xuyên xảy ra vì xe gom rác. HN gần đây đã tăng tần xuất xe gom rác, tránh giờ cao điểm và tăng loại hình xe gom rác. Kết quả là việc gom rác đã có cải thiện rõ rệt. Đó lại thêm điểm cộng nữa.
Ao hồ, sông ngòi HN được ví như lá phổi xanh cho người dân HN. Thế nhưng với các đô trưởng trước, ao hồ bị biến thành nơi đổ rác. Diện tích ao hồ bị thu nhỏ. Môi trường bị ô nhiễm do xú uế của rác thải bốc lên. Gần đây HN đã cho cải tạo lại các ao hồ, kè bờ, làm sạch nước hồ, trả lại không gian xanh trong lành cho người dân. Mong rằng việc làm sạch các con sông sẽ được quan tâm đúng mức hơn nữa. Dẫu sao cũng phải ghi thêm một điểm cộng nữa.
Ai ở HN cũng phải khổ vì cái loa phường. Đó là nơi phát tán nguồn ô nhiễm âm thanh ghê gớm. Nhưng đó lại là nơi được ngộ nhận là nơi mang đường lối của bề trên đến với dân đen. Nhức nhối như vậy suốt mấy chục năm, và HN đã dũng cảm loại bỏ nó. Ngày nay loa phường, nếu còn thì cũng chỉ phát với thời lượng rất hạn chế, với tin tức thật sự cần thiết. Đó là một việc làm được. Hướng tới chất lượng cuộc sống của người dân HN. Rõ ràng là thêm điểm cộng nữa.
Hay gần nhất là ứng phó của HN trước dịch Covid 19. Dù rằng cơ sở Y tế của HN không phải là đầy đủ và hiện đại như các nước tiên tiến. Nhưng với cách làm quyết liệt và khoa học (truy vết con bệnh hoặc người nghi nhiễm, khoanh vùng dập dịch).  HN đã cùng cả nước chặn được dịch Covid 19. Trong chuyện này công của đô trưởng là không nhỏ.
Nói sơ vậy để thấy: trong các đời đô trưởng, ông Chung làm được nhiều việc tốt cho người dân HN. Đó là người đã biết nghĩ đến lợi ích của người dân và biết làm điều có ích cho sự phát triển của thành phố.
 Dù ràng tôi chẳng ưa gì công an, nhiều kẻ trong lực lượng này thoái hóa biến chất, tự biến mình thành kiêu binh, hành xử với dân một cách lỗ mãng, vô thiên vô pháp, huênh hoang còn đảng còn tiền,… Dù rằng chỉ là thằng dân đen, chẳng thuộc phe nhóm nào. Nhưng với tôi: ai làm được việc tốt cho dân, thì người dân ghi nhận.
Thương dân dân kính dân thờ
Hại dân dân đái trôi mồ thối xương.
BLGiang.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét