Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

Kỉ niệm Bản Sen

Hôm nay 29-5-2017, kỉ niệm đúng 45 năm ngày xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Nhớ về những kỉ niệm, tình cảm của người dân dành cho người lính trong thời chiến. Xin kể ở đây một trong số các kỉ niệm đó.

Kỉ niệm Bản Sen
Đời lính cũng nhiều chuyến đi công tác xa đơn vị, nhưng vương vấn nhất với mình đó là chuyến công tác tại Bản Sen.
Mình nhớ, suôt đoạn cuối của năm 1974, đơn vị mình cũng như cả Trung đoàn 172 phải làm công tác kiểm kê liên tục. Bình thường thì năm một lần phải xem lại xem súng ống còn ngon không, đạn còn đủ không,... Nhưng cuối năm 1974, đầu năm 1975 thì bị làm liên tục. Mãi sau này mới hiểu là họ cần con số chính xác để chuẩn bị cho trận cuối cùng. Và chuyến công tác bản Sen của bọn mình cũng nằm trong kế hoạch chuẩn bị cho trận đánh đó.
Vào đầu tháng 3 năm 1975 mình lúc đó đã là tiểu đội trưởng dẫn một số anh em là lính Hòn gai do đơn vị mình tuyển và huấn luyện, gồm các anh: Chiến, Lục, Lộc, Thống, Thọ, cậu em Lạng,... Họ là những người thợ điện, cơ khí của mỏ được tuyển quân, do đơn vị mình huấn luyện và chưa phân về các đơn vị kĩ thuật. Chỉ huy tham gia có anh Lân B trưởng, Thảnh B phó.
Anh Lộc đứng sau, bên phải.
Bản Sen còn gọi là Soi Châu, Trà Bản là một hòn đảo nhỏ, cách Cẩm phả thị chỉ vài chục cây, nhưng bọn mình xuất phát từ cảng của E172 thì xa hơn.
Dân đảo hiền lành, chất phác. Vì có cả biển và rừng nên cuộc sống của người dân nơi đây cũng dễ chịu. Một đặc sản của đảo là mật ong rừng., rất sánh thơm, mình cũng mua được mấy lít để gửi về biếu gia đình. Do sự xa cách của đảo  nên người dân ở đây rất chân thật và quý người.  Trên đảo có đơn vị công an vũ trang (nay gọi là bộ đội biên phòng), họ đóng ở đây đã lâu và có doanh trại đàng hoàng, bọn mình khi mới tới cũng đã đá bóng với họ. Do chỗ doanh trại này ở ngay đầu đảo, xa nơi khai thác nên bọn mình không ở nhờ nơi đây, các chief quyết định vào ở trong dân, nơi sát cửa rừng cho tiện việc đi lại hơn nữa có thể nhờ dân chuyện củi lửa nấu nướng.
Nhiệm vụ của bọn mình là chặt nứa, đóng bè chuyển về đơn vị để làm lán chứa tân binh.
Mặc dù ở lính cũng đã ngót 3 năm, đã quen nền nếp sinh hoạt, nhưng được đi công tác, dù vất vả hơn, nhưng vẫn thích vì được tự do hơn. Ngày lên núi chặt nứa, bó thành bó, lôi ra cửa rừng, rồi kéo về điểm tập kết. Tối về cơm nước xong là được tự do không phải sinh hoạt đơn vị, khỏi phải phân công canh gác. Mình có mang theo cây đàn ghi ta. Mấy anh lính của mình cũng tài hoa, đàn hát được, cứ tối là tán gẫu, chơi đàn đến khuya.
Sống trong dân, cuộc sống của lính cũng đỡ khô khan. Tuy vậy, cái gì cũng có mặt trái của nó. Mới ra đảo quãng hai tuần mình đã bị một bé chấm. Đó là một cô gái đảo khá xinh, da trắng môi hồng, bụ bẫm, là em họ cô chủ nhà mình trú quân. Tối nào bé cũng đến xem bọn mình vui chơi và để ý mình từ lúc nào không biết nữa. Ban đầu bé ngồi buồng trong nghe hóng chuyện. Rồi lâu dần, bạo hơn, bé ra ngồi chơi cùng bọn mình. Mấy anh lính của mình đã lớn tuổi, đa phần đã có gia đình nên khá hiểu phụ nữ. Trông điệu bộ của bé là họ biết liền và xúm vào vun cho mình. Con người đâu phải gỗ đá, nhất là lính tráng ở tuổi đôi mươi. Quả thật mình cũng bị say sóng. Tình trong như đã, mặt ngoài còn e. Cái tình trạng đó gồm đủ cả: sự đắn đo, ngại ngùng, ngượng ngập, ngớ ngẩn của những kẻ bị say nắng thật buồn cười và cũng không biết tả sao nữa. Mình tuy thích, nhưng cũng ngại vì đời lính vô định, không biết đường nào mà tính.
Rồi thời gian cứ thế trôi. Bọn mình đã chặt đủ nứa. Mất vài ngày tập kết, đóng thành bè nơi cửa suối đợi thủy triều lên. Ngày rời đảo đã đến. Không hiểu có phải là trùng hợp không mà ngày bọn mình chuẩn bị rời đảo là ngày nhà bé có giỗ. Không hiểu bé đã xin phép gia đình chưa mà dám lên mời mình đến nhà ăn cỗ! Chuyện của mình, rồi chief cũng biết. Anh Lân, B Trưởng, cũng không yên lặng được nữa, phải nhảy vào khuyên can. Mình đành chấp hành, xách bát xuống ăn cơm cùng anh em để tối còn họp, chuẩn bị cho kế hoạch rút quân ngày hôm sau.
Sau buổi tối lỡ hẹn đó, 3 giờ sáng hôm sau, bọn mình rời đảo vì lúc đó là con nước lớn nhất. Lính đứng trên bè chống đẩy cho bè nứa ra đến biển thì đã có tàu đón sẵn. Trong cái mênh mang con nước, bập bùng ánh đuốc, trong câu hò xứ Thanh của anh Thảnh, trong cái nôn nao chộn rộn của những ngày đất nước chuyển mình (đó là những ngày ta đã giải phóng Ban mê, Huế ,...), trong tâm mình vẫn còn một góc, man mác buồn. Một tấm chân tình của người con gái nơi đảo xa, của những người dân đảo chất phác nhân hậu, mà mình không đền đáp được.
BLGiang



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét