Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

Những ngày đầu nhập ngũ

Tháng 6 cách đây 45 năm, mình là lính mới của Sư 338.

NHỮNG NGÀY ĐẦU NHẬP NGŨ
     Cuối tháng tư năm  1972 Mỹ ném bom trở lại Miền Bắc.Lớp K16 Toán Cơ- Khoa Toán -Trường Đại học Tổng hợp sơ tán về làng Quảng Minh Thanh Oai Hà Tây. Và cũng từ đây mình đã khám sức khỏe và nhận quyết định nhập ngũ. Quyết định nhập ngũ lần 1 ghi ngày 25-5-1972, tuy nhiên, vì lí do gì đó đơn vị nhận tân binh không đến, nên bọn mình lại có quyết định nhập ngũ lần 2, ghi ngày 29-5-1972. Đây là hai QĐ đó:

       Vậy là ngày nhập ngũ chính thức của mình được tính là ngày 29-5-1972, và đơn vị nhận quân là Sư 338. Khi mới nhập ngũ bọn mình ở ngay trong ngôi đình của làng Cự Đà, không xa làng Quảng Minh nơi lớp mình sơ tán.
        Trong đám sinh viên trường ĐHTH nhập ngũ đợt đó có một số được tuyển thẳng sang Phòng không – Không quân, các bạn đó được ô tô tải về tận Cự Đà đón về Quân chủng và ngay sau đó được đi sang Liên Xô học tên lửa SAM 3. Số còn lại, sau khi lĩnh quân trang và ổn định ở Cự Đà khoảng non 1 tuần thì bắt đầu hành quân vào Thanh Hóa, nơi Sư 338 tổ chức huấn luyện tân binh.
       Vì chỗ đóng quân ở Cự Đà rất gần với làng Quảng Minh nơi lớp mình sơ tán nên khi biết tin bọn mình chuẩn bị hành quân, bạn mình là Nguyễn Ngọc Chi đã mau mắn về tận Hà nội đèo Bà cụ nhà mình vào tiễn mình lên đường. Hình ảnh Bà Cụ nhà mình lẽo đẽo theo sau hàng quân để tiễn con ra trận in sâu trong trí nhớ của mình. Đất nước này, bao nhiêu năm chiến tranh, bao nhiêu bà mẹ VN đã phải âm thầm khóc tiễn con lên đường như vậy? Tuy nhiên, không hiểu vì lí do gì mà bọn mình đã hành quân ra đến ga Văn Điển rồi lại nhận lệnh quay trở lại Cự Đà. Uổng công Bà cụ nhà mình đi tiễn, mà vậy cũng hay, đỡ đau lòng. Ngày hôm sau thì bọn mình mới thực sự hành quân vào Thanh hóa.
    Vậy là chuyện đi lính của mình, từ việc nhận Quyết định, đến việc hành quân vào nơi huấn luyện đều phải trải qua 2 lần.
       Từ Cự Đà ra ga Văn điển lính ta phải cuốc bộ. Nhưng từ ga Văn điển lính ta được ngồi tàu hỏa xuôi nam. Nhưng chỉ được vài ga thì đường tàu bị cắt, lí do Mỹ ném bom cầu Giẽ. Từ ga Phú Xuyên, lính ta lại phải xuống đi bộ. Khi qua cầu Giẽ, anh Trung đội trưởng đứng trên cầu hối thúc lính ta nhanh chân, vì sợ máy bay địch quay lại. Mặt cầu hư hại,bùn đất còn đầy trên đường. Got chân lính đã nhấc lên, nhưng đôi dép thì vẫn bị đất dính chặt xuống mặt đường, lính ta có muốn đi nhanh cũng không được!. Như muốn thử thách, như muốn trêu ngươi! Tuy vậy, khó khăn lại ló cho lính ta một điều: Dép cao su tin cậy được. Và đôi dép quai râu đó không chỉ nâng chân lính ta trong chuyến hành quân vào Thanh Hóa, mà nó còn theo chân người lính trong suốt thời gian tại ngũ của họ.
       Ngày nghỉ đêm đi, cứ 4 giờ chiều là ra khỏi làng, nhận lời chúc của các mẹ các chị: “các con đi chân cứng đá mềm”, những tấm lòng sẻ chia, động viên của những người dân trên đường lính ta hành quân. Đi bộ chẳng là cái gì với mình, vì mình là dân đá bóng, ưa vận động. Nhưng với nhiều anh em chưa quen đi bộ nên khá khó khăn, có anh chân rướm máu, nhưng vẫn bám theo bước quân hành.Họ đã đi không chỉ bằng chân mà bằng cả ý chí nghị lực nữa.Nhất là với các anh đã lớn tuổi, quen giảng dạy, ngồi nghiên cứu, thì đây quả thực là một thử thách gian nan. Hành quân đêm, mệt nhất là buồn ngủ. Thanh niên đang tuổi ăn tuổi ngủ, thật khó làm quen với việc cứ phải cuốc bộ thâu đêm. Buổi chiều và chập tối khi mới lên đường thì còn hăm h, đủ kiu chuyn tiếu lâm. Nhưng chuyn c thưa dn khi v khuya, nhng bước chân theo quán tính, đôi khi ng gt gim c vào nhau. Điếu thuốc là châm lên, chuyền tay nhau từ đầu tiểu đội đến cuối tiểu đội, nõ thuốc nhọn hoắt, và không kịp quay trở lại với người đầu. Thuốc lá cũng chẳng ngăn được cơn buồn ngủ, cứ dừng chân tạm nghỉ là lính ta lại lăn quay ra đường tranh thủ chợp mắt. Cái khổ nữa là khát nước, ngày hè, vận động nhiều nên cái khát đến rất nhanh. Ở HN đi một bước là có hàng quán, khát nước, chỉ cần tạt vào hàng chè chén là xong. Còn khi hành quân đêm, lấy đâu ra hàng với quán? Lính ta đành dùng mũ cối vục nước mương giải khát. Có lần lính ta thỏa mãn được cơn khát, thì anh trung đội trưởng đến soi đèn pin xuống con mương ven đường cho lính ta thấy những cái nổi lềnh bềnh trên mương! Đó chắc là sản phẩm của bác nông dân đi thăm đồng buổi chiều! Chả sao cả, chả ai bị đau bụng, đi ngoài vì uống nước bẩn cả. Giải quyết cái khát quan trọng hơn!
      Lầm lũi đi cả đêm như vậy,  đến khoảng 3-4 giờ sáng thì đến được nơi tạm dừng chân ở một ngôi làng ven đường. Lính ta vào nhà dân trong đêm, không biết mặt chủ nhà, cứ vậy lăn ra ngủ. 7-8 giờ sáng dậy, tắm giặt rồi lo nấu cơm ăn. Dân quê mình nghèo lắm, vào làng chả thấy trai tráng đâu cả, toàn đàn bà, con nít. Các nhà bọn mình vào trú chân đều thấy họ chẳng có gì gọi là tài sản cả: không tủ, không bàn, chả xe cộ, quần áo thì để trong cái thúng, gầm giường dăm củ khoai củ sắn, nhà nào khá thì có cái giường, còn không chỉ là cái chõng tre. Bọn mình thường san bớt gạo lại cho nhà mình trú quân. Cứ vậy sau 4- 5 đêm bọn mình cũng vào đến Hà Trung, nơi huấn luyện tân binh của sư 338.
       Tiểu đội trưởng của mình là anh Lợi, cũng là lính sinh viên, anh ấy học trường Đại học Ngoại ngữ, nhập ngũ trước mình 4-5 tháng gì đó, sau khóa huấn luyện tân binh được giữ lại làm cán bộ khung. Cùng gốc sinh viên nên cũng có nhiều điểm dễ hiểu và thông cảm cho nhau.  
   Mục tiêu của khóa huấn luyện tân binh 3 tháng là rèn cho lính có kĩ năng chiến đấu, tồn tại trong hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh. Lúc này chiến trường ở Thành cổ Quảng Trị đang diễn ra giao tranh rất ác liệt. Dự là sau khóa huấn luyện, bọn mình sẽ được bổ xung quân vào đó.
       Ngoài các bài cơ bản: đội ngũ, bắn súng, đâm lê, ném lựu đạn, lăn lê bò toài, đào công sự, các bài học chính trị, chiến thuật tổ 3 người, tiu đội, trung đội,…bọn mình còn phải rèn thể lực bằng các bài hành quân đêm- gùi đá 30 kg. Vậy là phải vào rừng tìm tre, đan rọ đựng đá rồi đi tìm đá. Tuần hai lần tập đeo đá, hành quân đêm, tập truyền khẩu lệnh trong đội hình hành quân theo kiểu: “ăn không khói, nói không tiếng”…. 
     Sau vài tuần thì cũng dần quen với cuộc sống quân ngũ: từ lúc mở mắt đến tối đi ngủ: không một khoảng thời gian nào rỗi để mà nhớ nhà hay để mà tư tưởng. Cuộc sống vận động nhiều như vậy nó rèn luyện sức chịu đựng cho người lính, nhưng nó cũng đòi hỏi một chế độ dinh dưỡng cao. Điều này thì không bao giờ đủ với chế độ ăn đại táo. Lính đói, mệt, nên đến cuối tuần, khi cường độ giảm chút ta có cảm tưởng như vượt qua được ngọn núi và thấy biển cả trước mặt. Một trải nghiệm mà không ở hoàn cảnh đó không thể có được.
     Cuộc sống những ngày đầu trong lính cứ thế trôi. Một kỉ niệm ở Hà Trung, đó là lần đi lấy gạo ở ngoài Bỉm Sơn. Tranh thủ vào dân mua mít ăn chống đói. Tháng 6, mít chưa chín, hỏi nhà nào họ cũng không bán, lí do mít chưa chín. Hỏi mãi không được, cuối cùng lính ta chơi liều, chưa chín cũng mua. Mấy tên mượn dao chủ nhà xử ngay tại chỗ. Mít chưa chín, ngoài cái khổ về nhựa mít nhiều, (phải mất vài hôm mới xử lí xong vụ nhựa mít dính tay), ăn như ăn khoai sống, chả có vị gì. Ngoài công dụng chống đói, mùi mít chỉ được biết đến vào ngày hôm sau, nhưng tại toillette!!. Thời đó chưa có xí bệt, giật nước! Lũ mít này thật phản động!
      Quãng gần 2 tháng huấn luyện bộ binh gì đó, thì bọn mình được Quân chủng Hải quân vào lấy quân. Vậy là trả súng đạn lại cho F 338 (một em RPK- hỏa lực cấp tiểu đội), bọn mình hành quân ngược ra Quảng Ninh.
      Một kỉ niệm khó quên, đó là đêm nằm bên phà Cửa Ông (phà Tài xá). Đêm đó lính ta hành quân đến bến phà thì đã khuya, hết giờ chở phà. Quay lại thì không ổn, Chính trị viên đại đội thuê đò sang bên kia sông đề nghị nhà phà ưu tiên chở lính. Nhưng bọn phà này nhất định không nghe, mặc dù vị chính trị viên đã đủ cách thuyết phục, kể cả dọa dùng súng! Cuối cùng lính ta đành phó mặc cho trời: làm một đêm ngủ ngay tại bến phà, chờ bom Mỹ. Cũng may, đêm đó dù có máy bay Mỹ có quần thảo khu vực, nhưng bom đạn xuống đội hình hành quân thì không có. Còn lính ta ngủ vạ vật bên lề đường cũng không bị xe của mỏ xơi mất chú nào!. Thật may. Lính ta vượt thêm được một thử thách trên đường hành quân.
       Sáng hôm sau, sau khi qua phà, lính ta được sang Cẩm phả huyện ngủ bù (các quan Hải quân tâm lí phết, bởi từ Cẩm Phả huyện về nơi đóng quân chỉ khoảng 8-9 km, nếu thúc lính ta đi ngon trong buổi sáng đó). Vậy là đến chiều quân ta mới hành quân về thôn Thạch Hà, nơi huấn luyện của tiểu đoản 9- Trường Sỹ quan Hải quân.
     Về đến Thạch Hà đã chiều. Đầu làng Thạch Hà có một sân bóng khá đẹp. Khi bọn mình hành quân đến đây thì thấy trai làng đang đá bóng. Trong khi chờ bố trí về các nhà dân, bọn mình đã tranh thủ nghênh chiến với trai làng. Và trong cuộc chiến đó, một trai làng to khỏe đã va chạm trên sân với mình (gọi vui là “mua giò”). Thật oái oăm, khi khoác ba lô vào nhà dân cho bọn mình trú quân, thì đó chính là nhà của anh trai làng, tên là Cư, đã va chạm trên sân với mình. Tuy vậy, chuyện trên sân cỏ để lại trên sân cỏ, "Quân với dân vẫn như cá vi tht"! Hú vía.
Mai đen hàng ngồi bên trái,
Hàng đứng: Ng. Viết Thành, Trần văn Huấn (cùng A7 B2 C15 D9 Trường SQHQ ),
 Trịnh Duy Luân, Lại Vĩnh Mùi.



      Cùng trú quân ở nhà anh chị Cư trong suốt 3 tháng huấn luyện tân binh Hải quân còn có các anh: Phạm Viết Đồng, Phạm Hải Đăng, Phan văn Thập, anh Loan, anh Mai đen.
Một thời kì huấn luyện mới trong Quân chủng mới bắt đầu. 
BLGiang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét