Trong bài Khánh Vân khi nào gặp lại, N- Chop, đã viết một câu xanh rờn: “Dân làng Khánh Vân hiền lành thật thà. Có điều tôi thấy các ông trong làng cứ ngồi với nhau là kêu ca (hay đúng hơn là chửi) Hợp Tác Xã, nói chuyện chống đối chính sách nhà nước.”
Ta xem, tại sao N- Chop lại viết câu xanh rờn như vậy . Dân làng Khánh Vân hiền lành thật thà. Điều này dễ công nhận. Đó là bản chất của người Việt ta, không chỉ ở Khánh Vân, khắp làng quê đất Việt, đâu đâu ta cũng bắt gặp những người dân hiền lành, chân chất, thật thà như vậy.
Còn điều lạ mà ta thấy ở đây là các ông trong làng hay chửi hợp tác xã ( HTX), quả là lạ thật, theo cái suy nghĩ của người bình thường. HTX tốt vậy, nền kinh tế của một nước theo mô hình XHCN, thì nông dân dĩ nhiên phải vào HTX rồi. Cái này ta được học mãi rồi, đài báo ra rả xối vào tai ta hàng ngày hàng giờ, năm này qua năm khác, đến nỗi ai nói khác đi, là ta coi là có vấn đề rồi. Cái viễn cảnh của xã hội XHCN, nó đẹp như vậy cơ mà. Nào là máy cày chạy vang cánh đồng: “ Dừng chân dưới đồi, dưới nương đèo, lặng nghe máy cầy nó vang reo,… ơ này chị em ơi, máy cày đang cấy đang cầy, …. anh bộ đội đang trở về đây lái máy cầy” . Cái hình ảnh, người nông dân lái máy cầy, người nông dân, nghe tiếng kẻng HTX ra đồng làm ăn tập thể để cho một vụ mùa no ấm, nghe ra cũng thuyết phục đó chứ. Vậy tại sao những người nông dân đó lại bài bác? Đến bây giờ thì câu trả lời đã rõ rồi. HTX làm ăn không hiệu quả, nói trắng ra HTX là một công cụ sai lầm, một sự kìm hãm sức sản xuất nông nghiệp. Điều này trong chiến tranh, khi mà còn đi xin ăn của phe XHCN được thì nó chưa bộc lộ rõ, nhưng khi hết chiến tranh, nó suýt nữa đã đưa người dân đến chết đói, vì người nông dân không còn gắn bó, thiết tha với ruộng đất nữa.
Vậy, cái việc các ông nông dân ở Khánh Vân chửi HTX nên được coi là gì? Với những người nông dân bình thường như họ, cái họ cần là được làm ăn theo khả năng của họ, trên đồng đất của họ, như cha ông họ đã làm như vậy từ bao đời nay rồi. Cái lựa chọn HTX, không phải là lựa chọn của họ. Đó là một sự áp đặt, sự áp đặt đó nay đã phải dở bỏ. Họ cũng chả cần nổi tiếng như ông Kim Ngọc, là người đã dám mở đầu khoán hộ, sau này người ta gọi đó là cởi trói cho dân ( Không biết dân ta có tội gì mà bị trói, hay tại cái tội: “có bất cứ thành tựu nào từ có con gà mau đẻ đến buồng chuối sai quả, khi được người khác mừng, thì câu cửa miệng là “ơn Đảng ơn Bác”.)
Đùa một chút, nếu người nghe câu chuyện của các lão nông đó, không phải là anh SV Hợp, chả có chút quyền hành gì, mà là những người chỉ có hành trang là:” Ta thắng, địch thua, miền Bắc được mùa, miền nam thắng lớn”, hay như thời của Nam Cao, thì phàm đã là đàn bà con gái thì tên trên thẻ căn cước phải có chữ đệm là “Thị”, thì liệu các lão nông đó có được để yên với loại người đó. Mà loại này nhan nhản ở khắp nơi khắp chốn, đến nay, nó thành một nghề, nghề nói như con vẹt, nói những điều mà chính bản thân kẻ nói ra cũng phải tự lợm giọng. Loại này, nói thì nghe có vẻ tốt, nhưng chính chúng lại là những kẻ cản trở sự tiền bộ của xã hội, vì chúng là kẻ triệt tiêu những suy nghĩ cải cách, những đầu óc dám tìm cái mới, cái khác với những cái giáo điều.
Còn nói như Hồ Chí Minh đã nói, dân chủ là phải để cho người dân được mở miệng. Thế thì cái mở miệng của các lão nông đó là quyền của người ta đó chứ. Nói, bày tỏ chính kiến, vốn dĩ là cái quyền của con người. Thế nhưng, khi nghe một câu nói không giống đài báo, hay các loại loa rè, thì người ta lại sợ hãi, coi đó là nói xấu, là chửi bới. Có phải vì ngàn năm Bắc thuộc đã làm cho con người ta quen sợ Vua, sợ quan rồi. Sinh ra là một con người, mà không dám tự nhận mình là con người, với các quyền làm người của mình. Nói, làm việc gì cũng phải trông chờ vào người khác thế thì làm con Rô bốt cho nó rồi.
Thế nên tôi không nghĩ việc các lão nông bày tỏ suy nghĩ của họ là điều gì sai trái cả. Đó là sự lựa chọn của người ta. Mình nên tôn trọng điều đó, dù đó là đúng hay sai. Oái oăm thay, sự lựa chọn của các lão nông đó lại là đúng mới chết chứ.
Có một phim hoạt hình vui, kết có hậu, tuy nhiên trong cuộc sống, không phải sự lựa chọn sai nào cũng cho kết cục có hậu như vậy. ( Tom and Jery – That’s my mommy)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét