“…. nếu không có Hợp Tác Xã, không biết mình có thắng được Đế Quốc Mỹ hay không?”
Nếu phải nói đến chữ nếu, thì còn nhiều cái nếu lắm. Tuy vậy ta cứ bàn về cái nếu này đi đã.
Nhờ HTX, mà ta thắng được Đế Quốc Mỹ. Hoan hô anh bạn N Chop. Anh bạn này mới qua Tầu được mấy bữa mà thâm hơn cả Tầu. Hắn muốn nói ra mà cứ nhường, đẩy người khác phải nói. Thâm thật. Thế này thì dân Việt mình đâu có còn ngán gì anh bạn Tầu nữa?
Muốn so sánh hai mô hình của Miền Nam và Miền Bắc trong thời kì đó thì người ta có thể lấy các tiêu chí khác, đâu cứ phải lấy ấp chiến lược ( ACL) và HTX. Mà ACL cũng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, nó bị thay đổi khi chính quyền trong Nam thay đổi người lãnh đạo. Còn HTX thì nó tồn tại cho đến khi nó không còn chút ý nghiã gì nữa, người sinh ra nó phải tự hủy nó đi.
Mô hình HTX là mô hình được áp dụng cho xã hội Việt nam khi đó, nó đã trói chặt con người, không còn đường sống nào khác cho con người, ngoài con đường vào HTX, dù ở thành thị hay ở nông thôn. Đó là một sự bắt buộc, không có sự lựa chọn nào khác. Cái mô hình đó, trong một hoàn cảnh nào đó, ngắn hạn, có thể phát huy tác dụng, phục vụ cho một mục tiêu nào đó. Một khi con người không còn con đường sống nào khác, thì con gà đẻ nhiều, buồng chuối sai quả cũng phải ơn Đảng, ơn Bác, chứ bố bảo thằng nào dám nói khác. Nói khác nó cắt sổ gạo có mà chết đói.
Vậy là ACL và HTX là hai công cụ của hai chế độ đối kháng nhau, áp dụng cho người dân của mình. Cái nào hà khắc hơn, dã man hơn, hẳn mọi người đã có câu trả lời.
Khi Việt nam chuyển sang cơ chế thị trường thì HTX cũng không còn đất sống, nó không đủ sức giam hãm người ta nữa. Điều này cũng đang xảy ra ở Cu Ba, kinh tế thị trường cũng đã đến với người dân sứ đảo. Và một tin mừng cho người dân ở đó là cách đây hai năm họ đã được dùng điện thoại di động và được sử dụng máy vi tính!
Cái mô hình kiểu Bắc Việt này hiện vẫn đang được vận hành rất trơn tru tại Bắc Hàn. Ở đó, người dân đang đói ăn, và nghe râm ran nơi đó, người ta cũng đang tung hô lãnh tụ của họ là vĩ đại, ông vĩ đại, cha vĩ đại, và đến đời cháu cũng vĩ đại nốt và dân Bắc Hàn, kẻ nào có điều kiện, cũng đang tìm mọi cách để trốn ra nước ngoài tị nạn, và khi đã an vị rồi, người ta sẽ nghe họ nói về ACL và HTX …, hoặc những cái gì đó đại loại như vậy.
Tuy nhiên ở đời, đâu phải cái gì có lợi thế trước mắt cũng là cái đúng, cái phải. Cuộc chiến tranh Nam - Bắc Việt nam trong thời gian qua chắc còn phải mất nhiều giấy mực để phân tích nguyên nhân, hậu quả, ai là kẻ chiến thắng, Bắc Việt hay phe XHCN hay anh bạn Tầu?
Cái chúng ta ngày nay thấy được đó là Tầu cộng, một tác nhân trong việc chia cắt hai miền Nam – Bắc trong cuộc hòa đàm Giơ ne vơ năm 1954. Đó chính là kẻ đã mặc cả trên xương máu người Việt, với dã tâm chia cắt nước Việt nhằm mục tiêu thôn tính từng phần nước Việt.
Kế nữa, trong cuộc chiến Nam – Bắc, chính thằng Tầu là thằng luôn kìm hãm công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước ( Có thời điểm tưởng như đã thành công bằng con đường hòa bình), và chính chúng là kẻ một lần nữa trục lợi trên xương máu của người Việt. Cửa khẩu Mục nam quan cùng bao điểm khác trên biên giới phía Bắc bị lấn bởi các đồng chí làm đường Tầu cộng, rồi lợi dụng chính quyền Miền Nam bị suy yếu do phải đối phó với quân Miền Bắc, Tàu cộng đã ngang nhiên đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của VN, và đang chiếm giữ đến tận bây giờ. Kể sơ sơ là vậy. Vậy cuộc chiến đó ai thắng?
Tôi là một người lính, bé nhỏ như hàng triệu người lính tham chiến của cả hai bên chiến tuyến. Việc đầu tiên khi về đơn vị chiến đấu ( đơn vị anh hùng, đánh mểu lắm) của tôi là phải đi đào huyệt chôn liệt sỹ. Tôi hiểu những nỗi đau, mất mát của chiến tranh. Chiến tranh là cái gì khốn nạn nhất, đểu cáng nhất, bỉ ổi nhất, là cái gì tồi tệ nhất mà con người có thể làm ra. Tôi không thích chiến tranh, nhưng tôi, cùng các đồng đội của mình, đã ngẩng cao đầu khi đi qua cuộc chiến. Năm tháng qua đi, khi khói lửa chiến tranh đã nguội, thì người ta nhận ra rằng cái vinh dự của người lính trên tuyến đầu chống đế quốc ấy chỉ là cái hư danh. Cái thực tế, là các toan tính chính trị bẩn thỉu của một thời chiến tranh lạnh, mà người dân Việt là người lãnh đủ. Tôi không nhận mình là người chiến thắng Đế Quốc Mỹ. Mà cũng không nhận cả Huy chương chiến sỹ vẻ vang nữa ( Về điều này thì không chỉ riêng mình tôi, mà cả 4 tên lính về, người HN học K20 niên khóa 1976- 1980, đều không nhận, xin phép không nêu tên các bạn ở đây)
Cái điều chính xác nhất mà mọi người có thể thừa nhận được là đến thời điểm đó, cuộc chiến giữa hai miền đã kết thúc. Ơn trời. Cơ hội thống nhất đất nước, cơ hội cho lòng người thu về một mối được mở ra. Tuy nhiên chúng ta mới chỉ thống nhất đất nước một cách cơ học. Còn lòng người, thì đâu có dễ như vậy. Hàng chục vạn thuyền nhân ( Boat People), những người phải bán hết gia sản để tìm đường tị nạn ở nước ngoài, bất chấp nguy hiểm rình dập trên biển khơi, là bằng chứng về sự thất bại trong việc hòa giải dân tộc. Nếu chúng ta không ngạo mạn với chiến thắng của mình, thì việc hàn gắn vết thương chiến tranh trong lòng người Việt đâu còn phải nhắc đến trong ngày hôm nay.. Việc đó đáng lẽ phải kết thúc lâu rồi chứ. Chỉ những kẻ đứng ngoài cuộc chiến, trục lợi trên xương máu người Việt, mới thích thú, và xúc xiểm cho người Việt dương dương tự đắc, kiêu ngạo với chiến thắng của mình, để rồi làm đau khổ bao con tim khác cũng của người Việt mình. Đó chính là cách ngắn nhất để người Việt tự làm yếu dân tộc mình.
Vậy có nên làm đau lòng đồng bào mình nữa không, một khi ta vẫn cứ vênh vang là người chiến thắng, trong khi đó kẻ trục lợi trên xương máu đồng bào mình thì sờ sờ ra đó, và nó đang tự lột mặt nạ, đòi thôn tính nốt biển đảo của nước ta. Có đoàn kết toàn dân để giữ nước được hay không là ở chỗ phải biết nhìn lại chính mình, bỏ cái thói ngạo mạn vô lối đi, dừng việc làm nhức nhối con tim đồng bào mình đi. Nếu nói đến chiến thắng, thì hãy tự chiến thắng cái tính ích kỉ, thói tham danh tham lợi của chính mình đi. Đó là cái cách để có thể bắt đầu nói chuyện được với người khác.
Đã quá muộn để học cách người Mỹ đối sử với nhau ( quá ư nhân đạo) khi kết thúc cuộc nội chiến Nam – Bắc nước Mỹ. Nhưng không muộn khi biết dừng lại các hành động gây chia rẽ, gây thương tổn đến một bộ phận không nhỏ người Việt. Đó là cái có thể làm được ngay, trong vô số cái cần phải làm. Chả mất gì cả, mà cái được là cái làm cho người Việt có điều kiện đoàn kết một lòng để đối phó với kẻ thù truyền kiếp phương Bắc, và xây dựng nước nhà phồn vinh.
Thế nhé, tôi chả bắt ai phải vỗ ngực cả. Còn ai muốn làm việc đó, đó là việc của họ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét