CÁI SỰ SO SÁNH
Bàn về cái X và cái Y của Tuấn, nghe ra khó có hồi kết được. Nay Thắng cộc lại đưa thêm ví dụ về sự so sánh, để mọi người bàn, câu chuyện như lại được mở thêm ra.Phàm đã có hai, thì đã có sự khác biệt. X to hơn Y, Y cao hơn X, X đẹp hơn Y, Y ngầu hơn X,... Đó là cái nhìn thường nhật của con người. Khi đã có hai là có so sánh. Mà cái so sánh đó lại tùy thuộc vào chỗ đứng của người đưa ra phán quyết đó.
Anh bạn đang khát tiền thì sẽ lấy tiêu chuẩn tiền làm thước đo để so sánh X và Y.
Người đang đau ốm bệnh tật thì thích so sánh về sức khỏe của Y và X !....
Cô bạn đang tìm người yêu thì thích so sánh hai chàng trai về cao thấp, đẹp trai,....
Nếu cô gái đó, vừa muốn lấy chồng, vừa muốn có tiền, thì sự so sánh càng phức tạp hơn. Các tiêu chí so sánh như : khỏe mạnh, đẹp trai, tuổi tác bị xem là thứ yếu. Thậm chí, có cô nàng còn có thể thổn thức với lão ông 80 tuổi : «Ôi chàng hiệp sỹ của em, chàng là mặt trời của em! ».... Vậy là đã có sự so sánh khập khiễng ở đây, giữa một con người với một thiên thể !
Cái chỗ đứng hay nói cách khác là cái cái đang thôi thúc ở bên trong của từng con người, cộng với năng lực tư duy của mỗi con người, sẽ chi phối lên cái nhìn của người ta, và dẫn đến việc đưa ra các nhận định của riêng người đó.
Người đưa ra nhận xét, có thể nó đúng về một khía cạnh nào đó của vấn đề X hoặc Y, và nếu người nghe nhận xét đó có cùng một khuynh hướng, cùng một cái thôi thúc với người nhận xét vấn đề đó, thì cảm thấy rằng : chân lý là đây rồi, lẽ phải là đây rồi, cứu cánh là đây rồi !
Một khi cái thôi thúc lại là của một số đông người trong một không, thời gian nào đó, một tập thể nào đó, thì cái nhìn nhận đó trở thành mục tiêu của cả một tập thể, nhiều khi là một tập thể khá lớn. Nó tạo nên một động lực ghê gớm, có thể làm nên những sự kiện có tính lịch sử. Mặc dù sự kiện đó, chưa chắc là đã tốt cho tập thể đó, và những người chung quanh ( bởi vì, chưa chắc cái nhìn nhận đó đã là toàn diện, khách quan). Chỉ sau này, khi con người ta đã vượt ra khỏi cái thôi thúc đó, nhìn nhận lại, đôi khi người ta mới tìm được cái nhìn khách quan hơn. Song tiếc rằng, sự vật đã thay đổi. Và người ta lại phải nhìn nhận X và Y với những biến cố mới.
Liệu con người có học được gì từ các nhận định, các so sánh X và Y của mình ? Để lần sau thì có cái nhìn tỉnh táo hơn, khách quan hơn ?
Câu trả lời là hầu như không. Con người liên tục mắc sai lầm. Bởi cái thôi thúc bên trong, con người không làm chủ được nó. Nó tự nhiên như đói thì phải ăn. Tự nhiên như chuyện hít thở là chuyện của ai đó, chứ không phải là chuyện của mỗi bản thân con người ( mấy ai quan tâm là tại sao, trên đời này lại có không khí cho mình hít thở, mà lại miễn phí nữa chứ !).
Thế nên, trăng Trung hoa tròn hơn trăng nước Mỹ là một nhận định được rất đông người thừa nhận vào thời gian đó !. Và khi Liên xô không còn nữa, thì liệu người ta có chịu thừa nhận là vầng trăng là của chung không. Hay người ta lại tiếp tục «Trăng Trung quốc hoành tráng hơn trăng nước Mỹ ?». Nghi lắm, khi người ta đang thích, tìm mọi cách để ghi danh trong các kỉ lục Ghi nét. (Guiness World Records) !
Đấy là đã có khoảng trống, khi Liên xô không còn nữa để người ta nhìn lại nhận định về mặt trăng.
Đấy là có hai thì có so sánh. Nếu chỉ có một thôi, thì sự so sánh nằm ở đâu ? Nó có phụ thuộc vào cái tôi của từng con người không ?
Thực ra nói chỉ có một thôi là một giả thiết sai rồi. Trên đời này làm gì có cái gì chỉ có một. Ngay cả khi không còn Liên xô và Mỹ nữa thì vầng trăng cũng không phải duy nhất, cũng không phải là một bất biến. Cũng có hôm trăng rằm, có hôm trăng non,... Vậy là ngay bản thân một X thôi cũng có, sự biến chuyển, sự so sánh nội tại của nó rồi. Và nó cũng lại chịu sự phán quyết theo chủ quan của người quan sát.
Anh bạn sống ở Hà Nội thì chả bao giờ để ý trăng tròn hay méo. Còn anh bạn sống ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, nơi chưa có đèn đường thì vấn đề lại khác, vầng trăng nó thân thương như một người bạn đường của họ rồi.
Bản thân mỗi con người, chả ai giống ai. Nhưng người ta có thể nói là «anh bạn X này là tinh hoa của một cái gì đó », tức là đã có cái sự so sánh ở đây, giữa anh bạn X và phần còn lại (không được nhắc đến). Cái sự so sánh này, ta tạm gọi là sự so sánh mặc định giữa các phần tử cùng thuộc một tập tính. Hoa sen được gọi là quốc hoa chẳng hạn, đó là sự so sánh giữa hoa sen và các loại hoa còn lại, trong một không gian hẹp là lãnh thổ VN. Đó là sự so sánh theo cái nhìn của riêng một tập hợp người nằm trên lãnh thổ VN, về các loại hoa mà theo họ lựa chọn. Sự so sánh này là khác với sự so sánh ngầm mặc định của bản thân một sự vật, nhưng nó vẫn phụ thuộc vào con mắt của những người nhìn nhận vấn đề.
Cái sự so sánh, xem ra khó thoát khỏi cái tôi của mỗi con người. Một khi con người ta còn chờ đợi một lời phán về một cái gì đó, còn phụ thuộc vào một ý kiến nào đó (cho dù đó là thuộc một tập thể, coi là đỉnh cao của trí tuệ đi, mà các con người thuộc tập thể đó chưa vượt qua được cái tôi tầm thường.), thì cái người ta nhận được thường là cái chả tốt lành gì.
Vậy nên có một mệnh đề rằng: Cãi nhau hai người thì chẳng bao giờ phân thắng bại. Bởi đã có hai người, thì đã có sự sai biệt. Và trong môi trường mà mỗi cá thể đều ý thức về sự sai biệt thì sự sai biệt lại càng lớn. Lớn đến mức, người ta có thể đưa ra một mệnh đề : «Tranh luận hai người là không bao giờ có kết quả thắng bại !». Câu nói: «Lập trường vững chắc, tao muôn năm », thì nên hiểu ngay là «Làm giường cho vững chắc, tao muốn nằm ». ( Điều này muốn rõ hơn xin cứ hỏi Thu cói, và các bạn của hắn.)
Sợ rằng không có tranh, thì thiếu tính minh họa, chọn bừa một cái, xem xem có chút so sánh nào ở bên trong nó không ?.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét