Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

GỌI ĐÓ LÀ GÌ?

GỌI ĐÓ LÀ GÌ?
Từ bạn Mai Châu khởi xướng chuyện về cái tên, đến bác Lữ Khá luận bàn một cách sâu rộng, rồi lại đến Lê Tuấn bàn thêm, mở rộng thêm nữa. Cái sự đặt tên nghe chừng còn nhiều người muốn có ý kiến. Vì cái chủ đề này nó rộng quá, nó sát với chúng ta quá, hàng ngày chúng ta phải động chạm tới nó.
Từ khi biết nhìn và biết phân biệt, con người ta luôn phải đối diện với câu hỏi: cái này là cái gì? Phải gọi nó ra sao, đã ai đặt tên cho nó chưa? Tại sao lại đặt tên cho nó như vậy?
Vậy thực tế là “cái đó” là cái chúng ta gặp hàng ngày. Từ cái không khí để chúng ta thở, nó cũng là một cái đó. Tuy rằng chẳng ai nhìn được, sờ được, ngửi được,… nhưng chắc mọi người đều thừa nhận là có không khí, và người ta đã thừa nhận luôn cái tên gọi cho nó là “Không khí”; tuy rằng mỗi dân tộc có thể dùng từ khác nhau để chỉ một “cái đó” chung, song mọi người đều thừa nhận sự tồn tại của nó, và nó xứng đáng có một cái tên như vậy. “Cái đó” có thể là ánh sáng, là nước, là lửa, là đất …. Là những cái rất chung, và giá trị của chúng hiển nhiên đã được nhân loại thừa nhận và đặt tên cho một cách đàng hoàng.
Khi chúng ta sống trong một tập thể nào đó, mặc nhiên chúng ta được biết tên của các thành viên của tập thể đó. Người ta không phải nhăn trán để gọi “Cái đó” là cái gì, ở đây, các thành viên đã được định danh; Rồi thời gian trôi đi, tình cảm giữa các thành viên trong tập thể đó phát triển, và người ta thích gọi tên nhau một cách khác đi để biểu lộ tình thân. Tên thân mật từ đó ra đời. Nhất là trong lứa tuổi học trò đầy mộng mơ, họ đặt tên cho nhau, có khi chả theo một quy tắc nào cả, thế nhưng những cái tên đó vẫn được thừa nhân, tồn tại, và năm tháng qua đi, chúng trở thành một kỉ niệm êm đềm của lũ học trò xưa.
Tuy vậy, việc xác định “Cái đó” nó theo con người ta suốt cuộc đời. Mở mắt ra ta đã đối diện với nó rồi. Ở vùng quê, nghe tiếng gà gáy, người ta gọi “cái đó” là trời đã sáng. Ở thành phố, nghe tiếng xe máy chạy ào ào ngoài đường, dậy thôi, trời sáng rồi. Ra đường, có lúc phải di chuyển như rùa bò, ta lại phải gọi “cái đó” là tắc đường. Đang tắc đường, lòng đang đầy bực tức, có hôm lại được khuyến mại bản tin của một phường nào đó ngang đường ta đi, ta phải gọi đó là cái gì? Lớp học bắt buộc giữa đường à? Hay hành xác chưa đủ, còn hành người ta cả tinh thần nữa?  Trên đà định nghĩa đó, ta thử hỏi tại sao người ta lại lãng phí vậy? Sao không gắn cái đài phường đáng ghét đó với việc cảnh báo tắc đường ? Có khó gì đâu nhỉ, chỉ cần mấy đoạn băng ghi âm sẵn, thậm chí không cần băng cũng được, chỉ cần phát tín hiệu cảnh báo phía trước đang tắc đường, mọi người tìm đường khác mà đi; và như vậy, việc giải tỏa tắc đường sẽ diễn ra nhanh hơn, vì số người tham gia gây tắc đường sẽ được giảm thiểu đáng kể, một khi được thông báo trước.
Việc gọi đúng cái đó là cái gì, nhiều khi còn giúp người ta tìm ra được cách giải quyết chúng. Ví dụ, khi người ta gọi đúng tên những người thất nghiệp thay vì nói vòng vo là những người chưa có việc làm, hoặc gọi lạm phát, đồng tiền mất giá thay vì nói tránh là khó khăn kinh tế,… thì người ta đã biết trung thực với chính mình, đã biết gọi tên đúng hiện tượng sự vật và đó là cái tiền đề để người ta tìm được cách giải quyết vấn đề, hay là tìm được lối thoát.
Vậy gọi “ cái đó” là cái gì, đâu phải chỉ là chuyện gọi cho nó có cái được gọi? Nó đòi hỏi người ta phải hiểu đúng bản chất của vấn đề, của các hiện tượng đang diễn ra hàng ngày hàng giờ. Và người ta phải đủ dũng cảm, trung thực để đặt đúng tên cho nó, tức là gọi chính xác hiện tượng, sự việc đó, xác định đúng nó là cái gì, và từ đó người ta sẽ có đủ các thông tin cần thiết về nó và có được phương hướng để giải quyết nó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét