Thứ Năm, 1 tháng 9, 2022

Hư hỏng

 HƯ HỎNG

Hắn sinh ra ở Thái lan. Tuổi thơ của hắn có 10 năm hạnh phúc trong một xã họi thanh bình và no đủ.

Bước ngoặt cuộc đời hắn đến khi hắn 10 tuổi. Đó là lúc gia đình hắn hồi hương, trở về VN sinh sống. Bối cảnh lúc đó, phía Thái lan tăng sức ép lên Việt kiều: hoặc phải nhập quốc tịch Thái, hoặc về Nam VN theo ký kết giữa Thái Lan và chính quyền Miền Nam. Các Cụ đã đấu tranh để được về đất Bắc, nơi có quê hương bản quán của các Cụ.

Từ một nơi mà người dân không phải lo về cái ăn cái mặc, trở về đất Bắc VN những năm 60 của thế kỉ trước, quả là một cú sốc lớn. Đói ăn thì không lo, vì gia đình hắn đã may mắn được ở HN không phải đi xây dựng kinh tế ở các tỉnh trung du cằn cỗi ở Bắc Việt. Ở HN nên gia đình hắn có sổ gạo và tem phiếu. Nhưng, tiền đâu ra để đi xếp hàng mua gạo và các tem phiếu thực phẩn là một thách thức lớn với các Cụ nhà hắn.Lo toan, phiền muội luôn thường trực trên khuôn mặt các Cụ nhà hắn. Nhìn các Cụ hắn thấy tương lai thật mờ mịt. Một nỗi buồn chán sớm xuất hiện trong con người hắn.

Nói chuyện tem phiếu. Khi có tiền, có tem phiếu cũng không phải dễ có cái mà ăn. Thời đó hắn là chân chuyên đi xếp hàng để mua gạo và các thực phẩm được cấp qua tem phiếu. Gạo thì có quyển sổ riêng. Mỗi tháng một hai lần đi xếp hàng mua gạo. Không tốn thời gian lắm. Củi đôt cũng vậy, tháng mua một lần về bổ nhỏ, đốt kèm trấu là OK. Còn thực phẩm được cấp qua tem phiếu gồm các loại: thịt, đậu phụ, nước mắm hoặc xì dầu, ma di, tùy theo khả năng cung cấp của mậu dịch. 

Xếp hàng mua thực phẩm là mất nhiều thời gian nhất. Nhà có 10 người là có 10 phiếu mua thực phẩm. Mỗi phiếu có nhiều ô, dùng để mua các loại thực phẩm khác nhau. Khi đi mua thì xé từng ô, bao nhiêu ô là tùy theo lượng tính toán để ăn trong ngày hôm đó. Không được mang tất cả tem phiếu đi chợ. Vì nếu mất thì cả nhà treo niêu cả năm. 

 Gần nhà hắn có chợ Mơ, chợ Xanh ở Trại Găng (nổi tiếng thời đó với vụ múc nược cống pha vào nước mắm bán cho dân), xa hơn một chút có cửa hàng thực phẩm ở Tô Hoàng. Có lần hắn đi mua thịt ở chợ Mơ không được, đành về lấy phiếu đi mua đậu. Nhưng khi hắn mang phiếu mua đậu ra thì cũng hết. Vậy là hắn co giò chạy lên Tô Hoàng. Ở đó hắn thấy còn thịt, xếp hàng được một lúc thì hắn gửi chỗ người đứng sau để chạy về lấy phiếu mua thịt. Khi hắn chạy lên lần nữa thì thịt cũng gần hết mà hàng người lúc này cũng đã khác. Người hắn gửi chỗ cũng sắp đến lượt, nhưng người này lặng thinh không chịu xác nhận là hắn đã có xếp hàng và đã có gửi chỗ, chắc tên này sợ hết thịt chăng?. Trước sự la ó vì miếng ăn sắp bị cướp mất của những người xếp hàng, trước sự trở mặt của kẻ hắn đã tin tưởng gửi chỗ, hắn quá uất ức, giận dữ và đã văng tục chửi vào mặt cả đám đấy: "Đ.. mẹ bọn Việt nam". Đó là lần đầu tiên hắn chửi bậy.

Thời đó khó khăn như vậy, nhưng so với chung quanh, gia đình hắn vẫn thuộc loại khá giả. Trong nhà vẫn còn mấy cái xe đạp Peugeot, Lalets, Humbert để đi. Các con gái trong nhà được các Cụ sắm cho mỗi đứa một máy dệt len, con trai đứa lớn thì được sắm đồng hồ Mido,.. So với lũ trẻ cùng trang lứa, hắn vẫn thuộc diện đầy đủ hơn, ăn mặc: quần áo toàn đồ ni lông mới tinh, chân đi dép tông Thái, lượn phố thì hôm đạp xe Anh, hôm cưỡi xe Pháp. Và như vậy thì không sao thoát khỏi các con mắt ghen tị của thiên hạ. Đi đường hắn hay bị các người lạ nói: dân Thái lẩn. Những cái nhìn thiếu thiện cảm, những câu nói tưởng chừng vô hại đó đã gieo vào lòng hắn, từng ngày, từng ngày một, một nỗi uất hận. Và tuổi thơ của hắn bị đầu độc bằng sự đố kị như vậy và chắc chắn có ngày nó sẽ phản kháng.

Trẻ cùng khối phố thì cũng hay trêu chọc hắn. Và bản năng tự vệ của hắn trỗi dậy. Hắn bắt đầu cũng gây gổ và đánh lộn với lũ trẻ cùng lứa. Bơ sữa từ nhỏ, nên hắn chẳng ngán thằng nào. Và cư như vậy, dần dần hắn trở nên một kẻ rắn mặt từ lúc nào không hay.

Hắn bắt đầu bỏ học, lêu lổng. Vẫn cắp sách đi đến trường, nhưng hắn không vào lớp mà bỏ đi đá bóng, hoặc lêu lổng cùng mấy đứa bạn. Rồi bắt đầu phì phèo thuốc lá. Hồi đó cửa hàng rau ngay đầu ngõ Mai hương mới cũng bán cả thuốc là. Nào là Diamant, nào là Lucke,… tóm lại là nhà nước đi xin được gì từ phe XHCN thì đem bán cho dân. Hút thuốc là tập tọng cho ra vẻ ăn chơi thôi. Hắn chưa nghiện. Kết quả của sự lêu lổng đó là hắn đã bị lưu ban khi thi tốt nghiệp cấp I.

Các Cụ nhà hắn lại phải chuyển trường cho hắn, để hắn thay đám bạn khác. Chứng nào vẫn tật ấy. Học lại, thì học lại. Hắn đâu có học, mà có gì mà học???. Vào lớp hắn đem chuyện Tam quốc chí ra đọc. Mới đầu thì còn để trong ngăn bàn, sau hắn để hẳn lên trên bàn đọc công khai. Đọc đến đoạn Mã Đại chém đầu Ngụy Diên, khoái quá, hắn đọc to lên cho cả lớp nghe: Đứa nào dám chém đầu ta, ha ha ha,.. Co giáo đuổi hắn, hắn phớt lờ, coi như không. Cô phải nhờ thày giáo lớp bên cạnh sang kéo hắn ra khỏi lớp. Hắn hất tay một cái, ông thày bị văng ra, xây xước hết cả tay. Và điệp khúc: đuổi học, xin học lại,… lại tiếp diễn.

Ở nhà hắn cũng đủ trò phá phách. Tổ dân phố đang họp, hắn cùng mấy đứa ban, buốc đá dăm làm đường ném vào chỗ người ta ngồi họp, miệng hô xung phong như tấn công vào đồn bốt quân thù. Rồi có những trận đâu pháo với đối thủ. Đó là một tên cũng bặm trợn, hai thằng chả thằng nào chịu thằng nào. Thi thoảng, thử sức nhau chơi. Đó là những màn cho củ đậu bay. Củ đậu là những viên gạch vỡ đôi, vỡ ba. Chúng ném nhau, ngay ngoài đường phố, gạch đá bay tứ tung. Bà con qua lại, tìm cách mà tránh. Vậy đấy. Rồi chơi trò leo trèo, đuổi nhau, leo cả lên nóc nhà chạy huỳnh huỵch. Thời đó, phố BM còn nhiều nhà tranh, nhà ngói cấp IV, phần lớn xây thấp, nên chỉ một cú nhảy là có thể đu lên mái được rồi. Nghịch qua thành ra ác cảm với mọi người. Có hôm, trời đi vắng, buổi trưa hắn không đi phá phách người ta, mà nằm ngủ ngon lành. Thế nhưng chiến hữu của hắn vẫn phá, và hàng xóm vẫn ra nhà hắn để tố cáo hắn. Các Cụ hôm đó được một phen nở mặt khi chỉ cho hàng xóm thấy hắn đang ngủ ngon lành. Ha, ha , ha…

Thời đó, chưa có TV. Tối dân tình thường bắc ghé ra ngoài cửa hóng mát. Hoặc khi có khách, mà thân thì cũng kê ghế ra cửa, vừa chuyện trò, vừa hóng mát luôn. Cạnh nhà hắn, có một ông anh, lúc đó là công nhân nhà máy cơ khi Trần Hưng Đạo (nhà thanh niên này, hồi đó chỉ là nhà tranh, dựng lùi vào trong phía trước là một khoảnh sân khá rộng. Bọn hắn đã từng đột nhập vào đó, nổi lửa, rán khoai đánh chén tưng bừng. Quậy vậy thôi, không phá phách gì thêm). Một tối ông anh này đang ngồi chơi với ông bạn ngoài cửa thì hắn lại cà khịa. Hắn trêu bạn của ông anh hàng xóm là "Đá xốt vang". Chả là ông này tên Vang mà nhà ở đầu ngõ Quỳnh lại bán đá cây (có một cái bể, đổ trấu vào đó, mua đá cây về bán dần). Ông hàng xóm tức quá, túm cổ hắn, định ăn thua.  Hắn đâu có hén, chấp cả hai thanh niên đó luôn. Đang ồn ào, thì ông Cụ nhà hắn xuất hiện. Cụ túm cổ hắn, xách về nhà, lăng một phát. Hắn theo đà lăng của Cụ, chạy thẳng ra cửa sau, tay không quên giật mạnh cánh cửa. Và hắn nghe tiếng rầm. Sau này hắn được biết đó là tiếng cái ghế phi vào cái cửa mà hắn vừa nhanh tay giật cho nó đóng lại. Hú vía.

 Một phát nhảy, hắn đã vượt tường nhà hắn và thoat ra ngoài ngõ. Và hắn đi bụi từ đó. Thời đó, nhà hoang có rất nhiều, nên chuyện ngủ không thánh vấn đề. Còn ăn thì đã có chiến hữu tắc tế. Khi là nắm cơm, khi là miếng cháy, khát ra máy nươc công cộng. Cứ vậy, hắn vất vưởng mất mấy hôm. Cái hắn khó chịu nhất là thời gian. Không biết làm gì cho hết ngày. Mỗi ngày hắn lượn qua rạp BM vài lần, đọc đi đọc lại các quảng cáo phim, để giết thời gian. Và trong một lần tiêu khiến kiểu đó, hắn đã bị ông Cụ chộp được. Hắn bị xích tay, ném còng queo ở gậm giương, và hắn đã ngủ, không biết mấy ngày. Khi tỉnh dậy, thì xích trói đã được mở, mà các Cụ cũng không đánh chửi hắn nữa. Hắn chỉ nghe Cụ Bà thở dài khi nói về hắn với hàng xóm: "vậy là hỏng mất một đứa con"! Hắn bị coi như đồ bỏ???. Chính điều đó đã thức tỉnh hắn. Không phải roi vọt, mà sự thương tiếc của bậc phụ huynh dành cho hắn, đã làm hắn phải suy nghĩ lại. Và hắn bắt đầu khác từ đó.

Tuy nhiên, với bản tính hiếu động, những trò nghịch ngơm của hắn chưa phải là đã hết ngay. Cái gì cũng phải có thời gian chứ. Phỏng???..

BLGiang

 

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2022

Viên đạn lý tưởng

 

Viên đạn lý tưởng

Hồi đó, hắn học lớp 7, năm cuối của cấp II, hệ phổ thông 10 năm. 

 Đúng thời điểm chiến tranh phải hoại. Những gia đình cán bộ, công chức, nói chung là người nhà nước, thường được cơ quan tìm được nơi sơ tán, và con em của họ được đi cùng. Mình thuộc loại dân đen. Quê quán thì có, nhưng đi sơ tán cả lấy gì mà ăn?  Dó không đi sơ tán được, nên các phụ huynh xin cho hắn dạt vòm về vùng vẹn học. Hắn trở thành học sinh trường Hoàng văn Thụ, nơi gần nhà nhất, mà còn được phép mở trường, vì lẽ đó.

 

Những người sống ở những năm 60 của thế kỷ trước chắc không lạ gì phim "Nổi gió" trong đó có nhân vật trung úy Phương (diễn viên Thế Anh), với viên đạn Lý tưởng.

Thời đó hắn cũng có một viên đạn Lý tưởng.

Chẳng hiểu sao thời đó tìm những viên đạn sót lại sau chiến tranh lại dễ thế (chiến tranh thời Pháp thuộc, lúc đó đã lùi xa hơn chục năm).

Còn nhớ có những viên đạn súng trường từ thời Pháp để lại. Có viên gọi là viên đum đum là loại đạn khi bắn ra gặp chướng ngại vật sẽ tiếp tục nổ lần nữa. 

Hẳn đã dùng một lọ mực Cửu long, đã dùng hêt mực, đổ dầu hỏa để làm chất gia nhiệt và trên miệng lọ đó hắn làm một vòng dây thép làm giá đỡ cho viên đạn đum đum.

Trong giờ học, khi cả lớp đang say xưa nghe giảng, hắn lẳng lẳng cúi xuống gầm bàn, châm lửa. Cả lớp đang ngồi học bỗng nhiên nghe một tiếng đoàng... rồi đoàng, viên đạn được kích hoạt bằng dầu hỏa thay vì Kim hỏa trong khẩu súng trường, nhưng hiệu quả đum đum thì rõ viên đạn được phát nổ lần 2, khi xuyên vào tường sau của lớp.

Tất nhiên chả ai ủng hộ cái trò nghịch ngợm đó cả và hắn bị đuổi học. Không biết năm học đó hắn bị đuổi học bao nhiêu lần, với đủ các trò nghịch ngợm, phá phách. Và bà cụ nhà hắn đã bao lần đển Ban giám hiệu của trường xin cô chủ nhiệm cho hắn học tiếp.

Tuy nghịch ngợm nhưng hắn học được, mà thời chiến, đuổi học hắn, biết đuổi đi đâu?, nên cô chủ nhiệm cũng dễ cho qua.

Đó là chuyện viên đum đum.

Viên đạn lý tưởng là một viên đạn súng lục. Hắn rất thích vì nó nhỏ nhắn, xinh xinh và hắn luôn giữ ở bên mình, tức là luôn để trong túi quần.

 Năm đó hắn được cử đi thi học sinh giỏi miền Bắc môn toán lớp 7. Hắn vẫn để viên đạn trong túi khi đi ngủ. Và chẳng may sáng hôm sau hắn thức dậy vội vàng đạp xe cho kịp sang  Lệ chỉ, Keo Gia Lâm để nhập với các bạn ở lớp chuyên toán của huyện Gia Lâm thì viên đạn Lý tưởng đã rơi lại trên giường.

Nguy hiểm nữa là viên đạn đó chẳng hiểu một cách nào lại rơi vào trong đống than. Thời đó nhà hắn còn dùng than đá để vừa sản xuất vừa thổi nấu.

Viên đạn gặp lửa đã phát nổ và người ngồi cạnh bếp lúc đó là câụ em hắn, cậu áp út.

Rất may là viên đạn lý tưởng đó không găm vào cậu em hắn.

Và hắn đã thoát được một tai nạn mà hắn chỉ được biết sau đó chừng nửa tháng..

Ôi viên đạn lý thường. Xem ra cái gì gọi là lý tưởng cũng chẳng ra đếch gì!!!

Thứ Năm, 14 tháng 10, 2021

HỌC CHUYÊN TOÁN HÀ NỘI: XUÂN ĐỈNH VÀ CHU VĂN AN, phần 2

HỌC CHUYÊN TOÁN HÀ NỘI: XUÂN ĐỈNH VÀ CHU VĂN AN, phần 2

Nguyễn H. V. Hưng

Năm học 1970-1971, lớp chuyên Toán chúng tôi được Sở Giáo dục Hà Nội chuyển về trường cấp III Chu Văn An, mang tên lớp 10K, lớp cuối cùng trong khối lớp 10 của trường. Kể từ đó, 1970, trường Chu Văn An trở thành nơi liên tục đào tạo Chuyên Toán cho Hà Nội cho tới 1985, khi hệ này được chuyển về trường chuyên Hà Nội – Amsterdam mới được thành lập khi đó.

HỌC CHUYÊN TOÁN HÀ NỘI: XUÂN ĐỈNH VÀ CHU VĂN AN, phần 1

 

HỌC CHUYÊN TOÁN HÀ NỘI: XUÂN ĐỈNH VÀ CHU VĂN AN, phần 1

Nguyễn H. V. Hưng

Tôi nhập học lớp Phổ thông chuyên Toán của Sở Giáo dục Hà Nội, đặt tại trường cấp III Xuân Đỉnh, muộn chừng 2 tháng so với ngày lớp tập trung. Bấy giờ vào khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 1968. Hầu hết cả lớp còn ở trọ nhà dân trong làng. Chỉ có Đào Trọng Thu (lớp trưởng) và một hai người nữa (tôi không nhớ rõ những ai) ở cái phòng nhỏ đầu hồi lớp học. Tôi được phân vào trọ cùng nhà với Đặng Thanh Lương và Trần Đức Thắng, ba đứa vốn cùng học Trường (cấp II) Năng khiếu huyện Gia Lâm (đặt tại làng Lệ Chi). Tôi nhớ gia đình chúng tôi trọ có một chị bị thần kinh. Lại nghe nói làng Xuân Đỉnh có không ít người bị bệnh hủi. Cho nên hồi đó chúng tôi hơi bị ức chế về chuyện này.

Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2021

Món Tẳm Sụm

Mon Sum

Đọc bài về món sụm này lại nhớ thời làm đầu bếp bên Thái. Hồi đó chưa đến 10 tuổi đã là đầu bếp rồi.

Món thường nấu là món chân giò, xương ninh với củ khoai môn. Món ăn khá ngon, thường nấu 1 nồi ăn cả ngay. Tuy vậy mọi người chỉ được ăn ngon lành bữ trưa thôi. Còn bữa tối kiểu gì thì nồi canh cũng bị bổ xung thêm nước (sợ thiếu mà). Kết quả là phải lĩnh đòn vì tính quá cẩn thận.

Còn hôm nào ăn đơn giản thì chỉ đồ một týp xôi. Thức ăn là món sụm mua bên nhà bà Tuồn. Món sụm bà Tuồn làm rất đơn giản. Cho ớt, một vốc to, pả đẹc, tóp mỡ vào cối giã. Khi đã nhuyễn thì cho đu đủ, thái sợi to vào đâm cho mềm là ăn được. Món xôi nắm chấm sụm tuy đơn giản nhưng rất ngon.

BLGiang

Mất nết

MẤT NẾT

Các cụ nói 10 câu sai 9. Nhưng câu này thì đúng: "thày già con hát trẻ". Thày già thì rõ rồi, kinh nghiệm đầy mình. Còn con hát thì phải trẻ, thì mới có sức mà hát. Nhớ có lần cách đây quãng dăm bảy năm, nghệ sỹ Trung Kiên, một giọng ca Opera bậc thày, lên hát. Thật là thảm hại khi phải nghe một ông già ráng sức. Nhiều lúc ước gì mình lên sân khấu được để ét tăng (hợm tý) cho ông ấy vào khạc một cái rồi ra hát tiếp!!! Hôm qua trót dại, ngồi xem chương trình: giai điệu tự hào. Người ta hát lại những bài hát cũ. Chuyện chẳng có gì đáng nói. Ai chả có cái mình thích, kể cả bài hát. Nhưng ca nhạc, không thể tách rời cuộc sống. Đúng ra nó là hơi thở của cuộc sống.

 Nhớ lại những năm 80 của thế kỉ trước. Người ta tổ chức rầm rộ cuộc thi sáng tác quốc ca!!! Kết quả đã rõ, chẳng có cái gì được gọi là quốc ca cả. Bởi hơi thở của cuộc sống khi lập quốc đâu còn đến những năm 80. Làm sao mà nặn cho ra quốc ca được? Thêm nữa âm nhạc là dành cho tuổi trẻ. Chỉ những người trẻ tuổi mới mang được âm hưởng của cuộc sống. Cuộc sống chính xác là dành cho họ, những người trẻ tuổi. Khi người ta già đi, những âm hưởng của cuộc sống đi theo người ta như những người bạn tri kỉ. Thế nên hôm qua, khi nghe bài: "Tiến lên toàn thắng ắt về ta", hát theo kiểu híp hốp, lại khuyến mại thêm đoạn ráp bài thơ của Tố Hữu, mình nghe như bị đấm vào tai. Nếu coi bài hát như một kỉ niệm, một người bạn cũ, thì tay bạn cũ này bị biến chất rồi. Giống như một lão già bỗng nhiên diện quần zdin, áo phông đàn đúm với mấy ả mắt xanh mỏ đỏ. Đồ mất nết.

Đừng bao giờ áp đặt ý nghĩ của mình cho người khác. Đừng bắt thế hệ trẻ phải ngửi cái mùi của thế hệ mình. Người ta có thể bỏ tiền dàn dựng. Nhưng âm hưởng cuộc sống của từng thời kì nó khác xa nhau lắm. Đừng có làm cái trò đánh trống bỏi nữa.

BLGiang

Bẫy khỉ

BẪY KHỈ

Con khỉ vốn là loài thông minh. Thế nhưng, nó cũng không vượt qua được tính tham lam cố hữu, và trở thành nạn nhân của chính cái thói tham lam đó.

Để bẫy khỉ người ta dùng một cái lọ cao cổ, miệng lọ bé chỉ vừa đủ để khỉ cho tay vào. Bên trong họ để hạt dẻ, món bọn khỉ khoái khẩu. Cái lọ đó được gắn chặt xuống nền đất. Khỉ cho tay vào lấy được hạt dẻ, nhưng không thể rút tay ra được, vì miệng lọ bé. Nếu nó bỏ lại hạt dẻ thì không có chuyện gì. Nhưng chả có con khỉ nào chịu bỏ lại hạt dẻ để thoát thân cả. Và kết cục thì ai cũng biết.

Chuyện mới đây:

 Nhìn lại cái luật đất đai vừa được quốc hội thông qua: đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Câu nói này nghe hay, nhưng thực chất là đất đai thuộc quyền quyết định của một số kẻ có chức có quyền. Đó là nguyên nhân của mọi sự tha hóa, biến chất, khiếu kiện dai dẳng, tràn lan. Là nỗi đau của bao con người bị cướp mất miếng cơm, manh áo. Là mầm họa một khi tức nước, vỡ bờ.

Vậy nó có khác gì nắm hạt dẻ đựng trong cái bình?. Trả lại đất đai cho người dân sở hữu, đối với nhóm lợi ích, chẳng khác nào con khỉ chịu bỏ lại nắm hạt dẻ trong lọ.

Quyết giữ đến cùng, bất chấp mọi hậu quả, liệu họ có khôn hơn con khỉ?

BLGiang