MẤT NẾT
Các cụ nói 10 câu sai 9. Nhưng câu này thì đúng: "thày già con hát trẻ". Thày già thì rõ rồi, kinh nghiệm đầy mình. Còn con hát thì phải trẻ, thì mới có sức mà hát. Nhớ có lần cách đây quãng dăm bảy năm, nghệ sỹ Trung Kiên, một giọng ca Opera bậc thày, lên hát. Thật là thảm hại khi phải nghe một ông già ráng sức. Nhiều lúc ước gì mình lên sân khấu được để ét tăng (hợm tý) cho ông ấy vào khạc một cái rồi ra hát tiếp!!! Hôm qua trót dại, ngồi xem chương trình: giai điệu tự hào. Người ta hát lại những bài hát cũ. Chuyện chẳng có gì đáng nói. Ai chả có cái mình thích, kể cả bài hát. Nhưng ca nhạc, không thể tách rời cuộc sống. Đúng ra nó là hơi thở của cuộc sống.
Nhớ lại những năm 80 của thế kỉ trước. Người ta tổ chức rầm rộ cuộc thi sáng tác quốc ca!!! Kết quả đã rõ, chẳng có cái gì được gọi là quốc ca cả. Bởi hơi thở của cuộc sống khi lập quốc đâu còn đến những năm 80. Làm sao mà nặn cho ra quốc ca được? Thêm nữa âm nhạc là dành cho tuổi trẻ. Chỉ những người trẻ tuổi mới mang được âm hưởng của cuộc sống. Cuộc sống chính xác là dành cho họ, những người trẻ tuổi. Khi người ta già đi, những âm hưởng của cuộc sống đi theo người ta như những người bạn tri kỉ. Thế nên hôm qua, khi nghe bài: "Tiến lên toàn thắng ắt về ta", hát theo kiểu híp hốp, lại khuyến mại thêm đoạn ráp bài thơ của Tố Hữu, mình nghe như bị đấm vào tai. Nếu coi bài hát như một kỉ niệm, một người bạn cũ, thì tay bạn cũ này bị biến chất rồi. Giống như một lão già bỗng nhiên diện quần zdin, áo phông đàn đúm với mấy ả mắt xanh mỏ đỏ. Đồ mất nết.
Đừng bao giờ áp đặt ý nghĩ của mình cho người khác. Đừng bắt thế hệ trẻ phải ngửi cái mùi của thế hệ mình. Người ta có thể bỏ tiền dàn dựng. Nhưng âm hưởng cuộc sống của từng thời kì nó khác xa nhau lắm. Đừng có làm cái trò đánh trống bỏi nữa.
BLGiang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét