Khi rời khỏi trường ĐHTH, có lẽ mình không nghĩ là phải 30 năm nữa mình mới bước qua cái cổng trường này. Không ít lần mình đã đi ngang qua cái cổng đó, và nhủ thầm rằng, thế nào cũng có ngày ta quay lại đây. Và ngày đó đến khi đã 30 năm!. Thế mà sau 30 năm khi bước qua cái cổng trường đó, mình lại bị một đồng chí bảo vệ yêu cầu đằng sau quay, để đi vào trường bằng một cổng khác. Ra vậy, “thầy cai hô tiến thì phải giật lùi”, thế mới là đúng kiểu, thế mới là hiểu đúng ý thượng cấp!, thôi thì nhập gia thì phải tùy tục. Khu Thượng Đình nay thay đổi nhiều quá. Sân bóng xưa không còn nữa rồi, thay vào đó là các tòa nhà trông cũng hoành tráng. Không hiểu các bạn sinh viên bây giờ đá bóng ở đâu?
Gặp lại những người bạn, ở cùng thành phố mà cũng mấy chục năm, chỉ nghe tiếng mà đến bây giờ mới được gặp mặt. Vui, buồn, trông bạn mình còn khỏe mạnh, và nhiều bạn rất thành đạt. Gọi nhau bằng tao mày, nhưng tóc đã bạc cả rồi, Hùng vọt nó còn nói: mình không còn tóc để mà bạc nữa ấy chứ!, thằng này thỉnh thoảng cũng có câu ra hồn đó. Mình và Cương còng trông như hai ông sư trốn chùa ra gặp bạn, lại được anh Hùng đ.m ( Đan mạnh Hùng) gọi là hai ông Rùa, mình dành cho Cương còng suất cụ Rùa Bà, không hiểu hắn có chịu không nữa?
Cả bọn lòng dòng xe máy về Quảng Minh. Giữa đường thì Quốc hỏng xe, đành hẹn nhau chờ Quốc tại Cầu Tó. Gọi là cầu Tó là gần đây họ gọi vậy, chứ trước kia đó là Cầu Bươu, còn cầu Tó là cái cầu bằng tre đưa ta vào con đường vào làng Cự Đà cơ. Đi theo con đường mới mở bên tả sông Nhuệ, ( con đường cũ phải là con đường bên hữu sông Nhuệ cơ), cả nhà háo hức tìm lại cảnh xưa, người cũ. Đây Cự Đà, đây cây đa cổ thụ ven chợ xưa. Nơi này, mình đã cùng các bạn cùng nhập ngũ thời đó từng trú tại mái đình làng có cây đa này. Nhớ một chiều chạng vạng, cả bọn đang ngồi chơi thì thấy thầy Đạo đi từ Hà nội lên, cả bọn chạy ùa ra gặp Thày. Mới đi lính có mấy ngày mà sao thấy xa cách quá, gặp được người thân, thật là hăm hở. Còn Thày thì nói, tự nhiên thấy một đám thanh niên chạy ra làm thày hơi giật mình( chắc thày chưa nhận ra ngay được đó là học sinh của mình). Thày Đạo là người Thày mà bọn mình được chào tạm biệt trước khi lên đường, mỗi đứa một nơi. Nơi gốc đa đó bọn mình còn hay hát bài: “ Em ơi, đất nước khi chiến chinh, thì hai đứa chúng mình, một người nay là lính...” ( bản quyền bài hát này là của thằng Yên), và bảo nhau đó là bài hát để khi chiến trận loạn lạc, hát lên để nhận ra nhau. Thật là mới trẻ con thế mà nay đã bạc đầu rồi. Thời gian trôi nhanh quá.
Sân bóng đá đây rồi, nơi đây, các chiến tướng oai hùng, đá hay mọi nhẽ của lớp A1, đã từng nện cho trai làng Cự Đà 4 -5 bàn không gỡ, chỉ trong vòng 20 phút. Và kết quả là cả bọn phải ôm quần áo chạy bán sống bán chết, vì trai làng cả hai bên sông, hầm hập, nào đòn gánh, nào liềm, nào cuốc… đuổi đánh. Sau này mỗi khi đi qua làng này, vẫn phải cảnh giác sợ đội bạn chơi xấu.
Hết Cự Đà là đến doanh trại công an vũ trang ( nơi trước đây quân ta, khi chạy trốn trai làng Cự Đà đã vào tá túc), chỗ này, về tọa độ, phải là nơi của ngôi chùa mà quân ta vào chụp hình trước khi vào làng Quảng Minh. Xin mọi người minh xét.
Quảng Minh đây rồi. Cả nhà lại dừng xe nơi cổng làng để chụp ảnh lưu niệm. Cổng làng mới xây. Dòng chữ: Quảng Đại – Quang Minh trên cổng làng, không hiểu có phải từ đó mà sinh ra tên làng là Quảng Minh?. Còn mình thì chỉ nhớ tên làng là Quang Minh, còn xã là Mỹ Hưng. Cái giếng đầu làng đã được cạp lại bằng bê tông.. Cái giếng làng này là nơi quân ta mỗi sáng phải ra đây để đánh răng rửa mặt. Kề bên là ngôi chùa làng cũng đã được sang sửa lại.Một điều ngạc nhiên là có một ngôi từ đường, không biết của dòng họ nào mà trông hơi bị hoành tráng, nếu không có người dân địa phương nói thì cứ ngỡ đó là một ngôi chùa!, một bất ngờ nho nhỏ, trước khi vào làng.
Quảng Minh cũng không khác quá với xa xưa. Nhiều nhà mới xây hơn. Tuy nhiên so với các làng quê khác thì có lẽ không bằng, nhất là khi so với làng Cự Đà kề bên. Tuy nhiên, nếu nói về sự thư thả, cái hồn làng quê, thì Quảng Minh hơn đứt Cự Đà. Đây không phải mình thiên vị, nhưng nếu ta về một vùng quê, thì cái ta muốn thấy là nó thong thả, trong lành, hơi chút buồn buồn. Còn nếu nó cũng sầm sập, nó cũng ồn ã, nó cũng bát nháo như nơi thành phố, thì……
Có hai con đường vào làng. Một con đường ven sông, mọi người gọi là đường cũ, còn con đường thứ hai, gọi là đường mới. Theo mình thì nó không mới, trước đó nó đã có rồi, tuy nhiên, nó nhỏ thôi, và là đường ven đồng nên ít người đi. Còn bây giờ, người ta lấy đất ruộng làm nhà nên con đường nhỏ đó trở thành đường giữa làng, và ta gọi nó là con đường mới.
Họ nhà Phôn ( thiếu Đào Trọng Thu), đi theo con đường mới này để về ngôi nhà đã cưu mang họ trong những ngày khó khăn năm xưa. Gặp lại cảnh cũ, không khác là bao. Vẫn ngôi nhà xưa đó, tuy không gian, sân vườn có thay đổi đôi chút, gian bếp xưa và cái chuồng heo đã được thay bằng gian nhà mái bằng, cái cổng xưa đã đổi hướng, quay ra đồng, song cảnh vẫn nhập được vào bộ nhớ. Hàng tre xưa nơi Hưng hay ra ngồi học nay không còn nữa thế vào đó là một ngôi nhà mới xây. Còn người thì khác xưa quá. Mấy em nho nhỏ hồi xưa nay, lít nhít trứng gà, trứng vịt, đã lớn rồi, có người đã lên bà rồi chứ chưa biết chừng. Còn các cụ chủ nhà xưa đã khuất núi rồi. Một nén hương thơm với lòng thành để cảm ơn tấm lòng hào hiệp, vì nghiã lớn của các cụ. Nói 39 năm mới về đến ngôi nhà này là nói chung thôi. Thực ra, 39 năm trước thì mình lại sơ tán thử ở nhà khác cơ. Hình như là nhà của Quốc, hay Đức gàn gì đó. Hôm đó bác chủ nhà còn đãi bọn mình món bánh trôi, bánh chay ( Vì 16-4-1792 chính là ngày 3-3 Â.L). Vậy về thâm niên ở ngôi nhà này, trong họ nhà Phôn, mình có kém đôi chút. Tuấn có nói rằng không hiểu 7 thằng lộc ngộc như vậy làm sao mà ngủ được trên một chiếc giường. Thực ra là không phải một mà là hai; cả hai chiếc giường trên gian chính của ngôi nhà đã được dành cho anh em mình; bên nằm bốn bên nằm ba, khi có ai đó trốn về HN để kiếm thực phẩm tắc tế, thì lại nằm san ra. Không hiểu hai bác chủ nhà và đàn con chấy rận của hai bác nằm đâu nữa!
Người mong gặp là chị Mây, thì không được gặp, mà người thay mặt gia đình tiếp đón là Ô. Ý thì ngày xưa mình chưa hề biết. Thế mới biết ông Trời chả cho ai tất cả, bao giờ cũng phải có cái gì đó sộc sệch một chút. Lí do chị Mây không muốn gặp bọn mình nghe thật không thuyết phục tí nào cả. Thời gian trôi qua, ai chả già đi, ai chả xấu đi một chút với những mái đầu bạc, với những nếp nhăn. Chuyện buồn trong nhà, nhà nào mà chẳng có. Thôi gợn sóng làm chi. Có điều, không chỉ chị Mây, mà còn khoảng 2 triệu phụ nữ Việt nam sống đơn thân ( tin này nghe trên TV), thì thấy cái giá của cuộc chiến này không phải chỉ ở những người chết, bị thương, những tổn thất kinh tế, sự tụt hậu bao nhiêu năm, sự hư hỏng đủ kiểu. Nỗi đau còn giai dẳng, thấm sâu vào từng ngóc ngách, từng gia đình trên khắp làng quê Việt nam, nơi mà phần lớn trai tráng đến tuổi là phải đi bộ đội, để lại đằng sau cả một khoảng trống thăm thẳm.
Trên đường đi, mình được may mắn đèo Phương. Đường như ngắn lại vì những câu chuyện. Trong những câu chuyện lan man đó, mình được nghe Phương nói, đại ý: mỗi lần lớp mình lấy người đi bộ đội, lớp như bị bỏ bom ấy! Mình đi đợt đầu, sau đó hình như còn một hai đợt nữa. Mỗi lần chia tay bạn như vậy, là mỗi lần trống vắng trong lòng. Người đi, mấy ai hiểu được điều này. Bản thân mình, sau từng đó thời gian, mới được nghe và hiểu được điều đó. Thật là đi mỗi ngày đàng học một sàng khôn. Tưởng đầu bạc đã là khôn lắm. Sao cái nhầm lại bé đến vậy.
Ở thăm nhà một chút thì cả đội lại đi ra thăm lại con đường cũ ven sông. Đến đây, thêm một lần nữa khẳng định lối rẽ vào nhà. Con đường xưa ven sông đẹp là vậy, mà nay sao khác quá. Con sông Nhuệ hiền hòa ngày nào, mà bọn mình mỗi chiều ra sông tắm, bơi qua bên kia sông, nằm thẳng cẳng mơ màng, nay không còn nữa. Con sông đã khác xưa lắm rồi. Lòng sông cạn, váng bẩn. Mùi hôi tanh bốc lên mù mịt. Chỉ nhúng chân xuống thôi, chắc chẳng ai dám, nói chi đến tắm gội. Con sông của thi ca, mà những chàng trai đa tình lớp A1, từng ngâm nga ngày nào: “ Cô Mến, cô Hương, cô Hồng, cô Phương…..”, nay đâu mất rồi. Như một kỉ niệm bị mất cắp. Hà nội cũng có những dòng sông bị bức tử, cũng tanh hôi, bẩn thỉu như dòng sông này. Song, có lẽ ta đã quen với sự bẩn thỉu nhếch nhác đó rồi nên không nhức nhối. Còn con sông này, với những kỉ niệm ngọt ngào, đã biến mất, khiến ta như bị hẫng hụt, như bị mất cắp vậy. Còn đâu những đêm trăng sáng ra tán dóc ven sông, rồi về nhà Chính hát hò, nghe hát nhạc vàng mà chờ mãi chẳng thấy nó vàng nhà, vàng cửa gì cả, chỉ thấy cây đời cứ mãi mãi tươi xanh; chán rồi lại quay ra chơi trò tẩm quất. Còn đâu những cánh diều lơ lửng ven sông, những chú nhỏ cho trâu ra sông tắm mát. Làng quê thiếu con sông ôm ấp nó sẽ ra sao đây. Nỗi buồn cứ gặm nhấm ta mãi. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về chuyện này đây? Làm cách nào để trả lại con sông cho các làng quê? Các con sông nuôi sống con người, từ bao đời nay nó vấn cần mẫn, thủy chung, bao dung, nuôi nấng, che chở cho các thôn làng Việt. Tương lai nào đây sẽ chờ đón chúng ta?
Một niềm vui nho nhỏ, các bạn đi cùng cũng đã tìm được các ngôi nhà xưa mà các bạn đã ở. Thật cảm động khi các bác chủ nhà, các em con của các bác chủ nhà vẫn còn nhớ và gọi đúng tên của bọn mình. Mọi cái rồi sẽ trôi qua, cái còn đọng lại là cái tình người. Mà cái đó nơi làng quê này thì không thiếu. Một tia nắng ấm, trong vô vàn cái bụi bặm của cuộc sống.
Chia tay trong bịn rịn làm mình nhớ lại cảnh xưa, khi chia tay dân làng mỗi chiều hành quân, các mẹ các chị ra tận đầu làng, chúc các con ra đi chân cứng đá mềm. Cái tình này sẽ còn lại mãi trong lòng bọn mình. Chẳng ai bảo ai, song mỗi người trong bọn mình đều nghĩ, sẽ còn quay trở lại nơi đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét