Vừa đi thăm Chính về, có mấy bức ảnh chụp bằng máy di động gửi lên FB, và nhận ngay được câu hỏi: Đi Tuyên về, có học hỏi được Chính điều gì không?
Học được cái gì nhỉ. Mình nghĩ, với ý hỏi của bạn, thì mình hết tuổi học rồi. Nhưng cái được là mình hiểu bạn hơn.
Học được cái gì nhỉ. Mình nghĩ, với ý hỏi của bạn, thì mình hết tuổi học rồi. Nhưng cái được là mình hiểu bạn hơn.
Biết Chính từ năm học phổ thông. Hồi đó là năm 1967, mình cùng bọn học sinh HN đi thi học sinh giỏi Toán Miền Bắc. Đoàn gồm cả giỏi Văn và giỏi Toán. Khi đó quân HN tâp trung tại Lệ Chi Gia Lâm để ghép đoàn và thi tại đó. Gặp Chính là tại đó, bởi hồi đó Chính học chuyên Toán bên Lệ Chi. Lên cấp III, mình vào chuyên toán HN, còn Chính thì vào Ao ĐHTH.
Lên đại học thì học cùng chưa được 1 năm. Nhớ hồi đi sơ tán ở Quảng Minh, cứ tối đến là cả bọn lại tụ tập ở nhà Chính để tán dóc, ca hát, tẩm quất,… Chính có giọng hát khá hay. Mà hắn lại mê nhạc vàng. Mọi người còn nhớ mãi bài “hai mùa mưa” mà hắn hay hát. Có lần bị anh Mạo đem ra kiểm điểm ở lớp. Mình bênh hắn, cãi anh Mạo: “nhạc vàng là hát lên phải vàng nhà vàng cửa chứ”, có thấy cái gì bị vàng đâu mà bắt Chính kiểm điểm. Cãi vậy thôi chứ, thời đó, thế là có tội rồi.
Rồi thì đi lính, cùng là lính Hải quân, nhưng mỗi đứa một đơn vị. Xuất ngũ thì mình về trước hắn về sau 1 năm ( bởi hắn can tội là dám vào trường Đại học quân sự để học, phải giẫy mãi mới thoát được binh nghiệp). Vậy là cùng trường, nhưng năm học đã khác rồi. Ít gặp nhau. Bẵng đi mấy chục năm, gặp lại Hùng vọt mới biết hắn không chịu học cho xong, còn mỗi đoạn làm luận văn là tốt nghiệp, mà hắn bỏ, lên rừng lập trại. Nghe lạ tai quá.
Lần này lên Tuyên gặp hắn mới biết được cái lý do của khúc quanh đó: đó chính là sét đánh. Người ta cứ nói tiếng sét ái tình. Mình ít tin. Nhưng trường hợp của hắn, có lẽ đó là cái cách giải thích hợp lý nhất.
Đời người, nhất là những người có cá tính, thường có những khúc quanh rất bất ngờ. Nhớ hồi còn đi học, có lần Chính rủ mình lên Lạng Sơn chơi bằng xe máy. Hồi đó là khoảng 1976-1977 gì đó, mình mới có con xe Honda bác Thiệu. Một con xe 50 phân khối cũ mà người ta hay gọi là đồ second hands, đi còn chưa quen mà hắn rủ mình cùng hắn lên tận Lạng Sơn. Tất nhiên là mình không dám rồi. Sau này, nghe hắn kể lại chuyến đi đó hắn đi con xe cà tàng của hắn, mang theo một can xăng 30 lít mà đổ hết!!! (hồi đó chạy xe máy là phải mua xăng ngoài chưa có các cây xăng như bây giờ đâu), xe gì mà ăn xăng như xe ô tô IFA, Zin khơ, giải phóng vây? Sau này nữa mình mới biết hắn lên Lạng Sơn là để chinh phục bà cả. Kỳ công như vậy, chỉ nói lên hắn là một kẻ lãng tử thôi. Chưa đủ độ sét.
Khi hắn đến với bà hai trên Tuyên này, là hắn đã có vợ con đàng hoàng rồi. Vợ con ở đây là nói về Bà cả là người mà hắn lên tận Lạng Sơn để chinh phục đó. Vậy cái tiếng sét đó đã làm hắn ngây dại, bỏ đất kinh kỳ hoa lệ, bỏ sự nghiệp, vợ con, gia đình, bỏ hết tất cả để lên sứ đồng rừng đó. Và để cắm rễ cả đời ở đó luôn.
Đời người ta, nếu cuộc sống cứ phẳng lặng trôi, mọi việc đều
thuận lợi, thì cuộc sống đó thật nhàm chán. Giống như một ao nước tù đọng, là một
nguồn nước chết. Nhưng nếu có sóng gió, thì cái cách người ta vượt qua nó như
thế nào, mới là vấn đề. Nhiều người khi biến cố xảy ra, thường rơi vào tiêu cực,
và trượt dài trên đường đời còn lại của mình. Việc hắn bỏ vợ con, bỏ công danh
sự nghiệp,… theo một người phụ nữ khác lên sống trên đồng rừng, dưới con mắt
nhiều người, là một việc làm khó chấp nhận được. Bản thân hắn chắc chắn cũng có
những mặc cảm nhất định. Tuy nhiên, khác với số đông, hắn đã vượt lên được. Từ
việc gây dựng một cuộc sống mới nơi miền đất lạ. Đến sự tìm được thông cảm của
gia đình lớn, gia đình nhỏ,… Ngoài sự cần cù chịu thương chịu khó, chắc chắn là
âm phúc của hắn cũng phải rất dày. Vậy là khúc quanh đã không dìm chết hắn, hắn ấm chỗ được nơi đồng rừng, mà nơi
quê cha đất tổ, cái góc nhỏ của hắn vẫn còn nguyên.
Mà đã bị sét, thì con người bị thay đổi nhiều lắm. Vậy nên, không chỉ có thêm bà thứ hai, lên đó hắn còn làm thêm hai bà nữa. Vị chi là 4 bà tất cả. Dĩ nhiên là không được đăng kí rồi. Nhưng có điều lạ là cả 4 bà đều rất hòa thuận với nhau, coi nhau như chị em gái vậy.
Cái lạ nữa, là hắn đông con như vậy, nhưng các con hắn lại rất ngoan, đều trưởng thành, là con người có ích. Đặc biệt ấn tượng là cháu bé con bà tư. Một bé gái rất nhanh nhẹn đảm đang và thật dễ mến. Các bà các cô từ HN lên cứ tấm tắc khen cháu hoài.
Một con tàu, trước sóng gió, muốn đứng vững được, đòi hỏi phải có một tay lái vững vàng. Một gia đình, nhỏ thôi, trước sóng gió cuộc đời, nhiều khi cũng chao đảo, có khi đổ vỡ. Mà hắn có đến 4 con tàu. Nhiều khi cũng đau đầu lắm, nhiều sức ép lắm, hắn tâm sự. Nhưng cái cách hắn chia quyền tự trị cho các gia đình nhỏ của hắn. Cái cách hắn quản lí các gia đình nhỏ theo mô hình của các tiểu bang, cho thấy hắn quả thực là một nhà quản lí có tài.
Trông cách hắn ăn ở với xóm làng, đủ biết tay này biết cách thu phục nhân tâm, một cách thật lòng.Trên đường xe vào trang trại, hắn khoe: con đường bê tông, nối từ quốc lộ vào trang trại, dài khoảng 200m, xe tải vào được tận nhà đó là do hắn bỏ tiền ra làm, cho cả xóm đi chung. Mình bảo mày làm bằng cỡ xã rồi. Hắn cười tít.
Nhìn cơ ngơi mà hắn dày công vun đắp, mình nghĩ không chỉ có tiền bạc công sức mấy chục năm của hắn vun đắp. Mà còn bao đêm mất ngủ, tính toán, quy hoạch,… để có được một trang trại quy củ ngon lành như ngày nay.
Buổi chiều hôm lên thăm hắn, hắn dẫn mọi người đi thăm trang trại rộng hơn 30.000 mét vuông của hắn. Khi mọi người đang còn vui với các cây trái, hắn dẫn mình cùng với Đồi và Huấn leo đồi, đi thăm cho hết khu đất của hắn. Nhìn cách hắn chỉ những vạt đất và những dự định trồng cây của hắn, mình không tưởng tượng được đó là một con người vừa thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Quả thật, cái năng lượng chứa trong hắn. Cái khả năng làm sinh sôi nảy nở của hắn là cái mà làm hắn khác người. Có lẽ chính cái năng lượng sống đó, cái sức cuốn hút đó đã liên kết cả 4 người đàn bà cùng đứng chia sẻ cuộc đời bên hắn.
Ai đó viết câu này:
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung,
Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng.
Nhìn vào hắn, chắc sẽ nghĩ: Có nên sửa lại câu thơ này không nhỉ?
BLGiang,
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét