Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Suy ngẫm

Hôm nay, ngày 13-10-2013, ngày khép lại tang lễ đại tường Võ Nguyên Giáp.
Người ta có thể đếm được, tổng kết được rằng: hàng trăm ngàn lượt người đã lặn lội sớm hôm, khuya tối để được một lần, thực ra là chỉ vài ba giây, đi qua cái bàn thờ có di ảnh của đại tướng để tại nhà riêng. Và trong hai ngày quốc tang, không khí còn đậm đặc hơn nữa, hàng đoàn người lũ lượt vào nhà tang lễ Quốc gia để viếng. Ai không đủ điều kiện thì đứng đón bên đường, chờ đoàn xe đi qua để được một lần tiễn biệt.
Nhớ năm xưa. Chính xác là năm 1969. Khi đó bọn mình chuẩn bị bước vào năm học lớp 9 của bậc phổ thông 10 năm. Năm đó, nước sông lên to, Hà nội có dịch đau mắt đỏ. Ngày 2-9, nghe đài truyền thanh (xin nhớ HN hồi đó chỉ có đài truyền thanh thôi nhé. Chỉ nhà quan mới có cái đài Radio, còn TV, Internet, điện thoại bàn, điện thoại di động thì chưa ai tưởng tượng ra nó là cái gì, hình thù thế nào cả), thông báo bác Hồ mệt (thực ra sau này mới biết: khi người ta ra thông báo đó thì bác đã chết rồi). Rồi ngày hôm sau thì nghe tin bác mất. Thật là bất ngờ, một mất mát quá lớn cho người dân miền bắc VN hồi đó. Một con người tốt như vậy, cả cuộc đời vì nước vì dân (không có thánh thần mụ mị gì ở đây đâu nhé, thời đó suy nghĩ đơn giản vậy đó). Cuộc chiến tranh còn đang tiếp diễn. Một con tàu đang chông chênh ngoài khơi xa, mà thuyền trưởng thì đột tử.
Lớp mình được ưu tiên trong đoàn thanh thiếu niên Hà nội, đi viếng Bác. Đi từ mờ sáng, xếp hàng ngoằn nghèo qua các con phố, nhích từng bước một. Đi được vài bước lại phải dừng. Từ trên giải thích xuống: nhường đường cho đoàn này, đoàn kia, từ nam ra (Miền Nam đang chiến tranh mà, ưu tiên chứ), từ nước này nước nọ đến. Cứ vậy, đến 2 giờ sáng ngày hôm sau thì cũng được vào hội trường Ba Đình, nơi đặt linh cữu Bác, để viếng. Thờì gian cũng chỉ vài giây, bước qua dưới cái quan tài kính. Dừng lại một chút là bị nhắc.
 Khi viếng xong, ra cửa còn được phát cho nửa cái bánh mì kẹp thịt. Thời buổi cả tháng trời được 3 lạng thịt tem phiếu. Mấy nhà dám ăn thịt, toàn mua miếng thịt mỡ về để rán lấy mỡ sào rau. Bánh mì kẹp thịt hồi đó là một đồ ăn cao cấp rồi.
Thế nhưng, cầm miếng bánh đi vài bước thì thấy một cái rổ để đó, để những người không ăn được thì để lại. Mình cũng đã để lại miếng bánh đó. Không còn tâm trạng nào mà ăn nữa cả. Mệt mỏi vì chờ đợi cả ngày không phải là lí do chính, đang sức trai, chuyện đó nhằm nhò gì. Cái chính là tình cảm tiếc thương nó choán hết tâm can rồi. Bụng nào mà nuốt. Cứ vậy cuốc bộ từ hội trường Ba đình về nhà.
Lúc bấy giờ nếu có một phép mầu, để đổi mạng sống của mình để cho Bác sống lại để tiếp tục lãnh đạo nhân dân giải phóng Miền Nam, thì mình xin là người đầu tiên xung phong. Mà điều này không chỉ là suy nghĩ của riêng mình. Đó là suy nghĩ chung của lứa thanh niên trai trẻ như bọn mình. Ai mà nói động vào, dù chỉ hơi khác đi một chút, chắc chẳng thể yên.
Thế nhưng, làm gì có cái điều kì diệu như vậy? 44 năm đã trôi qua. Cái nhìn của mình nó cũng khác xưa nhiều lắm. Và cũng lại mùa thu nữa, một vị tướng già, học trò của bác lại ra đi. Người ta nói là tướng huyền thoại, là người anh cả của lực lượng vũ trang, là đức độ hơn chán vạn lũ quan bây giờ,…. Lại những nước mắt. Lại những con tim bồng bột. Cái khác bây giờ là người ta dễ biểu lộ hơn, và thích biểu lộ hơn. Nào là TV (đủ các loại đài),blog, nào là facebook, nào là san sẻ qua di động,… Cái không khí tang lễ đặc quánh trên các phương tiện truyền thông. Người ta đưa tin, hình ảnh, bình luận, sỉ vả nhau… Thôi thì đủ kiểu. Sức mạnh của truyền thông, tạo nên sức hút lạ kì, tạo nên sức mạnh lạ kì. Một làn sóng “yêu nước”, chí ít trên bàn phím, trên đôi chân. Bạn thử nói khác luồng xem, gạch đá đủ cho bạn xây lâu đài ngay lập tức.
Không hiểu khi thời gian trôi đi. Khi lầm lũi quay trở về với cuộc sống lam lũ hàng ngày. Bất chợt người ta nhìn lại chính con người của người ta, những cái mà họ đã biểu hiện trong ngày hôm nay. Người ta sẽ nghĩ gì? Có giống với suy nghĩ của mình khi nhìn lại 44 năm trước không nhỉ?
BLGiang,

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét