Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

KHÔNG ĐƯỢC CHĨA SÚNG VÀO DÂN

Gần đây, trong các vụ cưỡng chế của những kẻ cầm quyền đối với người dân trong các vụ giải phóng mặt bằng, thu hồi đất,… đều có dùng đến lực lượng công an, quân đội. Việc làm này, ta nên đánh giá nó như thế nào?
Các vụ cưỡng chế nói trên là thuộc các tranh chấp dân sự, giữa một bên là chủ các dự án, và các cơ quan hành chính địa phương, còn một bên là người dân có quyền lợi liên quan. Tranh chấp dân sự, thì phải giải quyết bằng các tòa trọng tài kinh tế. Phán quyết của trọng tài một khi đã được đưa ra thì tất cả các bên liên quan đều phải tuân thủ. Nếu bên nào không tuân thủ sẽ có lực lượng thi hành án tiến hành các bước theo luật định nhằm đảm bảo cho việc thực thi pháp luật được nghiêm minh. Lực lượng thi hành án này trực thuộc biên chế của ngành tòa án. Đó là một quy trình pháp luật bình thường mà bất cứ người dân cũng như những kẻ cầm quyền đều biết. Thế tại sao người ta lại cứ dùng công an, quân đội trong các tranh chấp dân sự? Tại sao lại dùng công an và quân đội đi làm thay việc của bên thi hành án?
Người dân không bao giờ vô cớ chống đối lại người đang cầm quyền. Chỉ khi quyền lợi của họ bị xâm phạm một cách nghiêm trọng thì họ mới phải khiếu kiện, dẫu rằng ở VN việc kiện tụng những kẻ có tiền, có quyền là một điều không dễ, hay nói cách khác là rất không khả thi, một khi sự tha hóa đã ăn sâu vào ngành tư pháp. Nén bạc ném toạc tờ giấy. Thế nhưng người ta vẫn cứ phải khiếu kiện. Thay vào giải quyết cho thấu tình đạt lý, để ý đến quyền lợi chính đáng của người dân, thì kẻ cầm quyền, ở nhiều nơi lại thích sử dụng sức mạnh của chuyên chính vô sản: dùng công an và quân đội để cưỡng bức người dân thấp cổ bé họng.
Gần đây nhất là vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng Hải phòng. Nguyên do là do những kẻ cầm quyền ở đây (các ông xã trưởng, quan huyện,…) muốn ăn không thành quả lao động trong hơn chục năm ròng, với bao mồ hôi nước mắt của bốn anh em nhà họ Đoàn. Anh em nhà họ Đoàn là những người lao động hiền lành và quả cảm. Họ đã quai đê, lấn biển, khẩn hoang được mấy chục héc ta đất. Đó là đất khai hoang, thuộc về tài sản riêng của họ, họ phải được quyền canh tác trên mảnh đất đó. Đó là lẽ công bằng. Thế nhưng, lòng tham vô đáy của anh em nhà xã trưởng và quan huyện Tiên Lãng đã đẩy họ vào con đường cùng. Đấu tranh bằng con đường pháp lý không lại với lũ đầu trâu mặt ngựa, họ đã phải dùng đến cách tự vệ cuối cùng là nổ thẳng súng vào mặt bọn cướp. Thế nhưng bọn cướp, chúng đâu có ra mặt. Kẻ hứng đạn hoa cải lại là mấy anh lính tội nghiệp, đem thân ra hứng đạn cho bọn gian tham, những kẻ đè đầu cưỡi cổ dân lành.
Vậy câu hỏi ở đây là: Ai cho bọn quan huyện, bọn xã trưởng đó quyền điều động lực lượng vũ trang trong tranh chấp dân sự này? Quân đội được sinh ra là để bảo vệ Tổ quốc. Ở bất cứ quốc gia nào cũng vậy, bất cứ thể chế chính trị nào cũng vậy. Ở VN người lính còn được nhân dân đùm bọc che chở trong những năm chiến tranh gian khó. Quan hệ giữa người lính và dân là quan hệ cá nước, gắn bó keo sơn. Tại sao bây giờ người lính lại chĩa súng vào người dân hiền lành? Quân đội này đã biến chất rồi hay sao. Họ có còn là con em của nhân dân nữa hay không hay là một lũ đâm thuê chém mướn cho bọn có tiền? Tổ quốc có bị lâm nguy với mấy anh em nhà họ Đoàn lấn biển không? Tại sao lại nhằm bắn vào họ? Một khi quân đội đã xa rời nhân dân, một khi những sự kiện như thế này còn lặp lại thì quân đội này trở thành đối thủ của nhân dân, và khi đó nó trở thành một đội quân mất cội rễ. Căm pu chia nó cũng đánh tan được cái đội quân này, chứ chưa nói đến Tàu khựa. Cái nguy hiểm là ở chỗ Ai, Kẻ nào đã đưa người lính vào chỗ đối đầu với nhân dân. Việc làm đó làm mất cội rễ sức mạnh của quân đội. Đổi lại, ai được lợi ở đây. Các chủ dự án, những kẻ có chút quyền lực và đa phần là đã bị tha hóa, bọn người coi đồng tiền là luân lý là cha mẹ chúng. Những kẻ như vậy đâu có quyền gì, nhân danh cái gì mà được phép điều động lực lượng quân đội, những người mang trọng trách bảo vệ Tổ quốc?
Thương thay cho mấy chú lính trẻ, ăn đạn của người dân, vì đã chót đứng sai chỗ, đã nhắm bắn vào người dân của mình. Sự đổ máu đó chẳng được ai ghi nhận, mà là một nỗi nhục của người cầm súng. Hãy tỉnh giác lại đi, rồi ngày mai khi rời khỏi quân ngũ các bạn trẻ cũng lại là người dân, lúc đó bạn sẽ nghĩ sao khi thế hệ lính trẻ sau bạn lại chĩa súng vào bạn?
Có câu nói: ở VN luật có hàng rừng, ý nói rằng có quá nhiều luật, thế nhưng người ta chỉ áp dụng duy nhất một luật, đó là luật rừng, luật của kẻ mạnh, hiếp đáp kẻ yếu, luật của loài thú! Những người lính, việc của các bạn là bảo vệ Tổ quốc, chứ không phải bảo vệ lũ sâu mọt. Hãy nhắm bắn cho đúng hướng.

BLGiang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét