Con số 70% dân Việt là nông dân, thì có thể kiểm chứng được theo các con số thống kê, cái này nhà nước có hẳn một Tổng cục thống kê, chắc không khó khăn lắm để đưa ra con số này.
Còn mức độ hài lòng của người dân Việt, nhất là người nông dân với cuộc sống hiện tại, thì quả thực chưa có một cơ quan nào làm cái việc điều tra xã hội học đó. Vậy nói 70% dân Việt là nông dân và họ hài lòng với cuộc sống hiện tại, là chưa đủ cơ sở để khẳng định.
Điều tra xã hội là một công việc nghiêm túc, mà bất cứ xã hội nào cũng cần có. Để làm gì? Rất đơn giản để xem thái độ của người dân, phản ứng của người dân trước một quyết sách nào đó của bên cầm quyền. Đó là một sự khôn ngoan cần thiết của kẻ cầm quyền, một khi kẻ đó có một trách nhiệm thực sự với việc làm của mình. Ở ta, rất tiếc là chưa có thói quen đó. Người dân Việt chưa được tôn trọng đến mức đó. Những kẻ cầm quyền, luôn tự vỗ ngực là những con người tinh anh, tài giỏi, đỉnh cao của trí tuệ,…. Đến mức tự bịt tai bịt mắt mình, chỉ làm theo cái bản năng bản ngã của mình, theo quyền lợi của nhóm lợi ích của mình,….. Còn hậu quả đối với người dân, một bộ phận người dân, đối với xã hội, thì đó là việc của ai đó phải lo chứ không phải họ. Việc điều tra xã hội ở Việt nam, về một chủ đề nào đó, quả là một thứ quá xa xỉ, một khi dân chủ ở VN chỉ là thứ dân chủ hình thức. Mọi thứ đã có đảng lo, đảng lãnh đạo toàn diện tuyệt đối! Dân là cái gì mà phải hỏi ý kiến họ? Nếu có điều gì đó, đại loại như lấy ý kiến của dân,… thì cũng được làm thông qua một tổ chức sân sau của đảng là Mặt trân tổ quốc. Rút cuộc nó cũng lại mang tính hình thức nốt.Từ một lực lượng chính trị nhỏ nhoi, nhờ vào sức của người dân để leo lên vị trí lãnh đạo, Đảng này đã ngày càng xa dời người dân, đứng trên người dân, nên các quyết sách không khỏi làm mất lòng dân, động chạm đến quyền lợi của người dân, làm mất lòng tin của người dân đối với tổ chức này. Thiếu đi sự thăm dò xã hội, tham nhũng tràn lan, đó là những nguyên nhân làm cho cái hố ngăn cách giữa những kẻ cầm quyền và người dân ngày càng thêm sâu, thêm rộng. Khắc phục ư?, sợ rằng không thể. VD như một tảng băng trên núi, một khi nó đã lao xuống, thì chả ai phanh được nó cả, càng lao xuống, nó càng trở nên mạnh mẽ, hung dữ. Bảo cán bộ dừng tham nhũng ư? Lấy ai làm việc đó? Nói chống tham nhũng mấy chục năm rồi, nhưng các quan ngày càng giầu, trong khi đó, đồng lương dành cho họ chắc cũng chỉ đủ sống thanh đạm. Bây giờ tham nhũng không phải là một việc làm vô đạo đức nữa, nó đã trở thành một điều hiển nhiên là phải như vậy rồi. Anh không tham nhũng được, chỉ vì ở vị trí của anh không thể tham nhũng được thôi. Còn nếu có điều kiện, chắc chắn anh cũng chả tha. Một khi người ta đã bị lệ thuộc vào vật chất, một khi cái văn minh tiêu dùng đã đánh gục cái bản ngã lương thiện của con người, thì bất cứ hoàn cảnh nào mà mần ra tiền, thì người ta nhắm mắt làm liền, bất chấp sự đau khổ của đồng loại. Làm sao mà dừng được?
Thêm nữa, cái cơ chế để sinh ra những kẻ có chức có quyền, lại càng hỏng. Quá nhiều cán bộ dùng bằng giả, quá nhiều cán bộ năng lực chuyên môn, quản lý quá yếu. Cách tuyển dụng lãnh đạo mà không có sự tham gia của người dân là nguyên nhân dẫn đến chuyện chạy chức, chạy quyền. Thêm vào đó lòng tham, sự dung dưỡng cho sự trung thành mù quáng, là môi trường tốt cho những con thú nguy hiểm xuất hiện. Người dân nào chẳng may mà dính phải chúng thì coi như là hỏng hẳn. Những vụ dân khiếu kiện đất đai là quá nhiều đi. Gần đây nhất là vụ ở Tiên Lãng HP. Ai quan tâm chắc cũng đủ xót xa cho người nông dân bị cường hào ác bá, các quan xã, huyện ở đó đè nén như thế nào. Chẳng những cướp sạch tài sản của người ta, mà chúng còn đẩy vợ con người ta vào cảnh màn trời chiếu đât, trong cái giá rét của mùa đông, ngay trong cái Tết cổ truyền của dân tộc. Không thể nào nói những người dân này hài lòng với cuộc sống hiện tại được. Nói chuyện gần thôi, chuyện xa, chuyện có tính thống kê các vụ việc nông dân khiếu kiện thì nhiều lắm. Mới nhất lại một vụ nữa ở Bắc Giang, lại một nông dân bị công an tham gia giải tỏa đất đai đánh chết. Những người thân của họ, những người nông dân hàng xóm của họ, liệu có hài lòng với cách hành sử của bọn cầm quyền ở đó không? Tôi nghĩ chắc chắn là không. Ở đời, có luật mạng đến mạng. Lợi dụng quyền hạn để lấy mạng sống của người dân, là một việc làm đê hèn, một tội ác, xã hội phải lên án, kẻ thủ ác phải bị trừng trị.
Một xã hội tốt, mọi người dân sống trong đó phải được làm chủ cuộc sống của mình, làm chủ tương lai của mình. Ta hãy xem, điều đó có quá xa sỉ đối với người nông dân hay không? Người nông dân, bao đời nay gắn bó với ruộng đất. Đó là tư liệu sản xuất của họ. Là của để dành của họ từ đời này qua đời khác. Là miếng cơm manh áo của họ. Họ có được sở hữu nó không? Có nhưng thời gian rất ngắn. Chỉ được vài năm, khi người ta cần đến sức mạnh của người nông dân trong cuộc chiến. Sau đó thì đất vào HTX. Rồi sau đó, một sự biển thủ tinh vi, thông qua Quốc hội hẳn hoi, đã đưa tất cả đất đai thành tài sản chung. Người nông dân mất hẳn cái quyền sở hữu vốn có của họ. Từ đó, đất trở thành tài sản của những kẻ đang nắm quyền. Đất ruộng bị xà xẻo để trở thành đất ở, thành khu công nghiệp, thành sân gôn,… tùy theo hứng của các quan phụ mẫu. Chả có một quy hoạch gì ở đây hết. Mỗi quan mỗi nhiệm kì, mỗi cách đẻ ra các loại dự án để xà sẻo đất. Đổi đất ra tiền. Còn người dân, đâu còn quyền gì nữa. Thu đến đâu mất đến đó. Chống lại sao nổi với “đầu trâu mặt ngựa, ào ào như sôi”? Bảo họ hài lòng với cuộc sống này ư? Tôi chắc là không.
Tuy vậy cũng có một bộ phận không nhỏ những người nông dân cảm thấy hài lòng vì cuộc sống có khấm khá hơn, khi quyền lợi của họ chưa bị xâm phạm một cách trực tiếp. Khi mà kinh tế thị trường cho phép họ được lưu thông sản phẩm nông nghiệp, như một thứ hàng hóa. Khi mà hệ thống hạ tầng có được cải thiện (vay tiền nước ngoài làm đường, con cháu họ sẽ phải trả). Nhưng những chuyện đó, là quá xa, vượt khỏi tầm lũy tre làng rồi. Thế nên có một số không nhỏ hài lòng vậy với cuộc sống hiện tại. Họ cứ hài lòng đi, cho đến khi một ông quan khác lên và sờ đến đất của họ. Họ cứ hài lòng đi, cho đến khi phải trả nợ vay quốc tế. Lúc đó, ai trả thay cho họ?
Để có một tương lai tốt đẹp cho người nông dân, để người nông dân được làm chủ công cụ lao động của mình, để chấm dứt tình trạng tham nhũng đất đai, khiếu kiện lâu dài, hãy sửa đổi luật đất đai. Hãy trả lại ruộng đất cho người dân cày. Hãy tôn trọng quyền sở hữu đất đai của người dân.
BLGiang
TB: Bài này đã được đăng trên blgiang blog trên Wordpress, ngày 27-1-2012. Nay do blog trên wordpress có trục trặc nên chuyển về đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét