Những ngày giữa đông, trời se se lạnh, thiên hạ đang vui vẻ trong không khí Giáng sinh. Hưng gọi điện: có rỗi không, đến đánh chén nhân dịp cuối năm. Đồng ý ngay, mình là đệ tử của trường phái đớp muôn năm mà. Mình chưa đến nhà Hưng lần nào, đành hẹn Tuấn đi cùng vậy. Chủ nhật ngày 25-12, ngày Noel và cũng là ngày mùng 1 tháng 12 Âm lịch. Chả sao, có cớ là ngồi với nhau, và dĩ nhiên là phải có rượu rồi.
Nhà Hưng ở phố L.V.L, một căn nhà khá đàng hoàng, ở ngay một đường phố lớn. Mới nhìn thấy, mình cứ ngỡ nhà của quan, cớ bộ trưởng chứ chả ít. Khá thật, mừng cho bạn mình. Không phải vì giá trị lớn của ngôi nhà, mà hơn đó, Hưng có óc thấm mỹ, xây nhà trông rất ưng mắt. Từ khoảng không gian đủ rộng phía trước nhà để làm vườn hoa, trồng cây cảnh (quá hiếm với đất HN, khi người ta phải tính từng xăng ti mét trong xây dựng). Một không gian vừa đủ để cách biệt cái ồn ào của phố phường, để làm bước đệm trước khi bước vào phòng khách của ngôi nhà. Một phòng khách được bài trí đơn giản nhưng ấm cúng, không phải vì cảm giác có cái lò sưởi như những ngôi nhà thời Tây nó xây, mà là ở cách bài trí, và khoảng không gian vừa đủ cho một nơi giao tiếp.
Ngồi đợi Tôn Quốc Bình (chắc hắn bận chút việc nhà nên đến muộn), cả bọn ngồi uống trà và tán dóc. Chuyện lan man từ hội thảo ngành Tô pô Đại số, mà Hưng vừa tham gia tại Tô Ky ô Nhật, đến Thày Huỳnh Mùi và các quan điểm Phật giáo của Thày Mùi. Hưng rất tâm đắc với quan niệm Vô Úy và Từ Bi của nhà Phật mà thày Mùi đã thể hiện trong cuộc sống hàng ngày. Từ chuyện Thày tổ chức đám cưới cho con rất hoành tráng ở ngay trong chùa ở Huế (chuyện khá lạ đối với người HN và người phía Bắc nói chung), đến sự liên hệ giữa Từ bi và Vô úy.
Không hiểu có sự liên hệ nào giữa các nhà Toán học và các nhà Vật lý lý thuyết không? Nhưng những người làm khoa học đó, khi đã đạt đến một đỉnh cao nào đó, thường hay tìm lại kinh sách nhà Phật để tìm sự dẫn đường của các tư tưởng của Phật. Hoặc có khi, vô tình người ta lại chứng minh được những luận điểm mà Đức Phật đã nói trong các kinh sách. Và một cách rất tự nhiên họ là đệ tử của nhà Phật. Hưng rất khoái đoạn Thầy Mùi nói về lượng tử thời gian của nhà Phật, khi kể rằng: trên chuyến xe đi cùng các đồng nghiệp của ĐHKH Tp HCM từ Sài Gòn lên Đà Lạt dự Hội nghị Đại số-Hình học-Tôpô toàn quốc, ông Mùi đưa ra nhận định: "Vật lý hiện đại đã bàn đến lượng tử của vật chất (hiện nay được hiểu là các loại hạt cơ bản), đến lượng tử của năng lượng (tức hằng số Plank), nhưng Vật lý chưa từng bàn đến khái niệm lượng tử của thời gian. Vậy mà, Phật Giáo từ lâu đã nói đến lượng tử của thời gian, dưới cái tên sát-na".
Còn Hưng thì đưa ra giải thích là: Sát-na là lượng tử của thời gian, tức là khoảng thời gian không thể chia nhỏ được nữa. Phải chăng: “Sát-na là khoảng thời gian nhỏ nhất mà sự biến đổi của thế giới khách quan có thể biểu hiện ra được. Nói cách khác, bất kỳ một biến đổi nào của thế giới khách quan cũng không thể biểu hiện ra trong một khoảng thời gian bé hơn một sát-na, và tồn tại những biến đổi của thế giới khách quan có thể biểu hiện ra trong một sát-na”.
Theo một số tài liệu Phật học ngày nay, thì Sát Na là một đơn vị đo thời gian, rất nhỏ (1 giây có khoảng 70 triệu Sát Na) Danh từ sát na (Khana) được dùng để chỉ thời gian chớp nhoáng của mỗi biến đổi. Theo Abhidhamma Mahàvibhàsa (Đại Trí Luận) những sự biến đổi của hiện tượng giới được giải thích một cách rõ ràng như sau: "Vạn pháp luôn luôn biến đổi, không một vật gì có thể tồn tại trong hai sát na liên tiếp". Một ngày 24 giờ được tính bằng sáu ngàn bốn trăm tỷ, chín vạn, chín ngàn, chín trăm tám mươi sát na.(6400000099980) ( Một giây có: 74.074.075 sát na)
Như vậy, so với tài liệu trên, định nghĩa về Sát Na của Hưng có sự sai khác. Quả là thời gian trôi với từng người là có khác nhau, mặc dù người ta có dùng chung một loại đồng hồ.
Thực tế chỉ ra rằng: thời gian không tồn tại độc lập, nó phụ thuộc vào không gian và người quan sát nó. Trong các không gian khác nhau, thời gian trôi đi khác nhau. Mà nói đến không gian là phải nói đến vật chất chứa đựng trong không gian đó. Còn yếu tố người quan sát còn chứa đựng vào tâm thức của người quan sát, vận tốc chuyển động của người quan sát trong không gian đó nữa. Thực ra, cái quan trọng hơn là cái tâm thức của con người. Nói đến sát na, người ta hay liên hệ đến sự biến chuyển của tâm thức con người, nó liên tục biến chuyển trong từng sát na. Đó chính là cái vi tế của tâm thức của con người. Liệu ta có làm chủ được nó không? Có tìm được cái bất biến trong cái biến đổi bất tận này không?.
Qua câu chuyện này, có thể thấy một ví dụ về sự hành thiền của những người làm công tác nghiên cứu khoa học. Một khi người ta tập trung cao độ vào một chủ để nào đó, đến độ quên hết tất cả chung quanh (vượt qua cả đoạn nghệt), thì rất có thể, một cách vô thức, người ta đã bước vào trạng thái thiền (Contemplate, Zen). Đó chính là sự vượt qua một ngưỡng, qua cái sự hiểu biết thông thường, một sự xuyên phá, một sự bừng sáng, nó tiệm cận với sự đốn ngộ mà các Tổ hay nói. Tuy nhiên, để chắc ăn, tránh lạc lối, cần có thời gian đọc thêm kinh sách nhà Phật. Vậy, để đạt đến một sự khai ngộ, có rất nhiều con đường. Dẫu rằng đến bước Giác, thì còn là cả một chặng đường gian khó, chông gai, lên bờ xuống ruộng nữa. Đó là những bước chân khó nhọc của những con người tu hành tìm đường giác ngộ.
Tuy nhiên, những bước chân mà những người làm công tác nghiên cứu khoa học đạt được trong lĩnh vực này (đã đến cái vô chướng ngại trong lĩnh vực của mình) thật đáng được tán thưởng và tôn trọng. Đi tìm chân lý của khoa học, nhưng lại tìm được thêm một ngả dẫn đến một triết lý cao siêu của nhà Phật. Thật đáng mừng. Bởi cái biết là cái quý giá nhất. Mọi cái có thể qua đi, có thể mất đi, có thể bị lấy mất, nhưng cái biết của con người thì chả ai có thể lấy cắp được, chả ai có thể làm dịch chuyển nổi nó. Ở điểm này, mình thích cặp Tuệ giác và Từ bi hơn, bởi một khi anh hiểu rõ ràng mọi nguồn cơn, thì anh dễ cảm thông, dễ chia sẻ hơn. Từ bi mà chưa đạt đến độ hiểu biết nhất định thì nhiều khi bị lợi dụng hoặc có khi còn phản tác dụng.
Tuấn ngồi không thấy bàn gì, mấy bữa sau, lại thấy hắn phang một bài về mái nhà tranh và dòng thời gian trôi trên Website K16Toanco. Chắc hắn không muốn nhìn cái quá ư vi tế của thời gian, mà muốn nhìn gần hơn, thực tế hơn về dòng chảy thời gian, của những năm gần đây. Từ cái nhà tranh vách đất (ôn nghèo kể khổ) đến các nhà ngói, biệt thự ngày nay. (Ơn Đảng, Ơn Chính phủ, …may quá không có đồng chỉ Ỉn và đồng chí Ủn vĩ đại để mà Ơn). Một hoài niệm về những ngày xưa đầy gian khó nhưng cũng đầy thơ mộng. Quả là Tuấn hắn có cái chất văn thơ trong con người. Hắn không bị cuốn vào tranh luận về không – thời gian của mọi người, mà tìm một góc khác của trục thời gian để gửi lòng hắn vào đó.
Cuối cùng thì các món nhậu cũng được bày lên. Một chai rượu ngon mà Hưng cất công mang từ hội thảo về để đãi bạn. Đúng là của một đồng công một nén. Vui nhất là Bình Tôn với tài sài nước mắm của hắn. Nước mắm thật chứ không phải nước cốt cá cơm như Hưng đã từng gọi chai Vodka Ba Lan của Hợp. Không những ăn mặn mà hắn còn ăn cay đến ghê người, và rất vui lòng với nhận xét của mọi người là hắn rời biển lên bờ muộn nhất nên thói quen dùng mặn hơn đứt mọi người.
Dòng thời gian chắc còn mãi trôi, với các kỉ niệm từ hồi trai trẻ, nào là hồi đi tập trung cùng đội tuyển HN bên Lệ Chi để thi Miền Bắc năm học lớp 7, nhắc lại tên các bạn ở hai đổi tuyển Văn và Toán, các thày luyện cho đội tuyển. Nhớ thày Đính dạy bài hát về người trồng đay bên sông Đuống, lan man Bình Tôn còn nhắc lại kỉ niệm từ hồi còn học lớp 4, giờ nghỉ giữa tiết, chạy sang đường ăn bánh rán của bà cụ nhà mình làm, hắn mà không kể mình cũng quên luôn,…
Kể ra thì cũng chưa già lắm, nhưng gặp nhau đã hay nhắc về các kỉ niệm. Nhưng những kỉ niệm đó là một cái gì đó quý giá, đã là một tài sản chung của bạn bè mà không phải ai cũng có được, giữ được.
P/S: Một kỉ niệm gần là chuyến đi Ba Vì, và mình thích nhất là bức ảnh mình chộp được Tuấn đang chém gió. Hãy xem:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét